Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Gỗ và đồ gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là khách hàng lớn nhất. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, Việt Nam đã tăng cường hợp tác, kiểm soát và phối hợp với chính phủ Mỹ để thúc đẩy xuất khẩu gỗ vào thị trường này.

Chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Nguồn: nongnghiep.vn

Khởi sắc các hoạt động xuất khẩu đồ gỗ Việt

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 đạt mức 6,4 tỷ USD, tăng trưởng 58,8% so với cùng kỳ năm 2020. Từ vị trí thứ 5, Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nội thất thứ nhì thế giới. Theo công bố của Tạp chí Furniture Today (tạp chí chuyên ngành nội thất uy tín), Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ. Tính riêng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Mỹ đạt mức 7,4 tỉ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, tăng 31% so với năm 2019.

Sự thay đổi nhanh chóng đã đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất đồ nội thất gỗ đầy tiềm lực, một phần do Chính phủ Mỹ áp thuế bổ sung đến 25% cho gần như tất cả các mặt hàng nội thất từ Trung Quốc (năm 2019, số đơn hàng xuất khẩu đồ nội thất của Trung Quốc giảm 28% còn 9,7 tỉ USD, trong khi mặt hàng này của Việt Nam tăng 35%, lên khoảng 5,7 tỉ USD). Theo các nhà phân phối nội thất Hoa Kỳ, hầu hết đồ nội thất gỗ cho phòng ngủ, phòng ăn, nội thất văn phòng và phòng làm việc tại nhà đều được đặt hàng từ Việt Nam.

Với quy mô dân số khoảng 332 triệu người, tỷ trọng sản phẩm gỗ và đồ nội thất Việt Nam đáp ứng nhu cầu cho thị trường Mỹ vẫn còn rất nhỏ: chỉ hơn 7 tỷ USD, trong số 115 tỷ USD doanh thu ngành hàng này trong năm 2020. Như vậy, thị trường này vẫn còn rất rộng cửa cho các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, thị trường này cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ.

Để có thể tận dụng được cơ hội phát triển này, các doanh nghiệp nói chung và cả ngành chế biến gỗ, nội thất Việt Nam nói riêng cần đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp và ngăn chặn được tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ.

 

Tăng cường tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến gỗ

Để góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp, ngày 1/10 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký thỏa thuận với Đại diện thương mại của Chính phủ Mỹ về kiểm soát việc khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Đại biểu Bộ NN&PTNT Việt Nam làm việc với Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR).
(Nguồn: chinhphu.vn)

Trong đó, Chính phủ Việt Nam cam kết tăng cường kiểm soát nguồn gốc, không đưa gỗ tịch thu vào sử dụng với mục đích thương mại, kiểm tra hải quan và sau thông quan đối với nguồn gỗ nhập khẩu, nguồn gỗ theo Công ước Washington (CITES), cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép. Đồng thời, thỏa thuận cũng thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ. Khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam có trên 240.000 hộ gia đình, với hàng ngàn lao động, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chuỗi cung ứng gỗ trong nước và toàn cầu. Nhằm phát triển Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã kết hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) triển khai dự án hợp tác “Thí điểm chính thức hóa kinh doanh và thúc đẩy các hộ gia đình phi chính thức tuân thủ các yêu cầu pháp lý về gỗ”.

Giới thiệu Dự án tại Văn phòng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại VN.
(Nguồn: viforest.org)

Dự án sẽ giúp các hộ gia đình thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp cận vốn vay, tín dụng, tham gia các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định pháp luật về gỗ.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu gỗ trong thời gian tới, Việt Nam rất cần đội ngũ cán bộ kiểm lâm và hải quan chuyên nghiệp, thường xuyên cập nhật những thay đổi trong các hiệp định, quy định liên quan của quốc tế; nhận diện được các loại gỗ nhập khẩu có rủi ro cao, cách phân biệt các loại gỗ nhập khẩu gắn với xuất xứ vùng địa lý,… Liên quan đến yếu tố này, để nâng cao kiến thức liên quan đến quản lý và kiểm soát gỗ nhập khẩu, từ ngày 27/9 đến 2/10, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu cho các cán bộ kiểm lâm và hải quan.

Với tiêu chí “Khoa học phải gắn với thực tiễn”, gần đây, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC) đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường KH&CN phục vụ ngành đồ gỗ” tại TP.HCM nhằm xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu giữa các quỹ đầu tư, nhà sáng chế, các công ty tài chính và nhà máy sản xuất đồ gỗ lớn của Việt Nam. Tại hội thảo, một số sáng chế và giải pháp công nghệ đang được các nhà máy chế biến và sản xuất gỗ áp dụng đã được giới thiệu. Trong đó, có công nghệ luyện gỗ của ông Trần Hoài Nam, Công ty Cổ phần Tasa Wood (được cấp Bằng độc quyền sáng chế của Mỹ, số 10486329B2) được đưa vào vận hành với công suất trên 300 m3/tháng (500.000 sản phẩm/năm). Bằng cách đưa polyme vào lõi tế bào gỗ, chủ động thay đổi cơ, lý tính, cũng như các đặc tính của gỗ tạp, gỗ rừng trồng (thông, keo, tràm, cao su hay tần bì, óc chó, sồi…), cho phép nâng các thông số chất lượng gỗ lên tương đương, thâm chí vượt trội hơn, so với các loại gỗ quý hiếm trong tự nhiên; tận dụng được phần gỗ thừa, tạo ra một loại nguyên liệu gỗ hoàn toàn mới trên thị trường gỗ Việt Nam. Cách làm này giúp tận dụng được tới 90% thành phần của gỗ, nâng cao giá trị sản phẩm. Gỗ biến tính đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảo quản gỗ Mỹ (AWPA), và được sử dụng cho các công trình tại Mỹ và 152 nước trên thế giới. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cho phép gia tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm, giúp sử dụng gỗ hiệu quả, không chỉ góp phần thiết thực vào việc hạn chế nạn phá rừng bừa bãi, hướng tới bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, mà còn giúp Việt Nam củng cố vị trí là một trung tâm chế biến gỗ ở châu Á, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam ra thế giới.

Là trung tâm sản xuất, chế biến đồ gỗ lớn nhất, chiếm tới 70% chuỗi cung ứng đồ gỗ cả nước, TP.HCM cũng đã phê duyệt “Chương trình quản lý, kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đặt ra mục tiêu 100% các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản nắm rõ các quy định của Nhà nước về quản lý, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các lâm sản có nguồn gốc hợp pháp, hướng tới quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý nghiêm hành vi mua bán trái phép gỗ, phối hợp giữa cơ quan kiểm lâm với các cơ quan chức năng khác trong công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở, doanh nghiệp có hành vi kinh doanh, cất giữ lâm sản trái pháp luật cũng đã được xác định.

Có thể nói, những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế, đã góp phần giúp các cơ quan chuyên môn và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành gỗ tại Việt Nam nắm rõ được những quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, đến các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ. Từ đó, đảm bảo được tính hợp pháp của nguồn gỗ, tạo điều kiện gia tăng sản lượng xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam, không chỉ vào thị trường Mỹ, mà còn nhiều quốc gia khác.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Việt Nam – Hoa Kỳ ký Thỏa thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. https://vovworld.vn/vi-VN/kinh-te/viet-nam-hoa-ky-ky-thoa-thuan-ve-kiem-soat-khai-thac-va-thuong-mai-go-bat-hop-phap-1032492.vov
[2] Đức Phong.Xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang Hoa Kỳ tăng “khủng” gần 82%. https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-do-go-noi-that-sang-hoa-ky-tang-khung-gan-82-152096.html
[3] VP. Những kết quả đạt được từ việc thí điểm chính thức hóa kinh doanh và thúc đẩy tuân thủ các quy định pháp lý về gỗ. http://vietfores.org/tin-tuc/nhung-ket-qua-dat-duoc-tu-viec-thi-diem-chinh-thuc-hoa-kinh-doanh-va-thuc-day-tuan-thu-cac-quy-dinh-phap-ly-ve-go/
[4] Vân Minh. Quản lý, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản. https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/quan-ly-kiem-tra-truy-xuat-nguon-goc-lam-san-1491876813
[5] Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong ngành hàng đồ gỗ. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/19928/thuc-day-phat-trien-thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-nganh-hang-do-go.aspx
[6] Việt Nam vượt Trung Quốc xuất khẩu nhiều thành phẩm nội thất nhất vào Mỹ. https://tuoitre.vn/viet-nam-vuot-trung-quoc-xuat-khau-nhieu-thanh-pham-noi-that-nhat-vao-my-2021050410210157.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập