Hàng chục nghìn lượt khách hàng đã tham dự các sự kiện Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) chuyên ngành trên nền tảng số trong năm 2021 do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) tổ chức là kết quả của việc nhanh chóng thích ứng, áp dụng công nghệ số vào các công tác chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt cho công tác xúc tiến chuyển giao công nghệ mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh mới
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực ở nước ta. Để tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần đẩy nhanh công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Các ứng dụng CNTT đem lại cách tiếp cận, cách làm việc mới nhanh gọn và hiệu quả hơn. Việc chuyển đổi phương thức hoạt động, từ làm việc trực tiếp sang trực tuyến, từ xa; linh hoạt sáng tạo trong sử dụng công nghệ số sẽ hạn chế phần nào các “đứt gãy” trong sản xuất, giao thương do dịch bệnh Covid-19.
Các ứng dụng công nghệ thông tin đem lại cách tiếp cận, làm việc mới, nhanh gọn và hiệu quả hơn (Nguồn: internet)
Để chuyển đổi số thành công, cần có sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội, từ người dân, doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước. Trong đó, sự tham gia của các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng, mang tính định hướng trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số. Thông tin tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử (tháng 9/2021) với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số, thúc đẩy hoạt động quản lý Đô thị thông minh và phát triển Thương mại điện tử góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19” cho biết, năm 2020, thứ hạng phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên ở vị trí thứ 6, khiến lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển khó thực sự bứt phá. Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả chính phủ điện tử, góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu dịch bệnh Covid-19. Là một thành phố lớn, năng động, đóng vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM xác định chương trình chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định trong chiến lược phát triển đến năm 2030. Việc chuyển đổi số tốt sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, góp phần xây dựng đô thị thông minh và thịnh vượng. Để thực hiện các mục tiêu đề ra cho chương trình chuyển đổi số, thời gian qua, TP.HCM luôn đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức kỹ thuật số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số,…
Phát triển giao dịch công nghệ trên nền tảng số
Techmart chuyên ngành là các sự kiện thường niên do CESTI tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Thời gian qua, hoạt động này đã thu hút được sự quan tâm trong cộng đồng, qua việc tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận, trao đổi, thảo luận giữa các bên cung - cầu công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực, cũng như cả nước. Qua Techmart, các doanh nghiệp có thể ứng dụng các tiến bộ KH&CN, các giải pháp công nghệ mới vào tiến trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra. Techmart còn là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành mạnh ở nước ta từ đầu năm 2020, và đặc biệt là đợt bùng phát dịch từ tháng 5/2021, CESTI đã tích cực chuyển đổi số các hoạt động triển khai, tổ chức Techmart, nhằm vừa đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, vừa tiếp tục giới thiệu kịp thời các giải pháp công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ đến các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Thành công của hoạt động Techmart 2021 trên nền tảng trực tuyến đã cho thấy, “mạch chuyển giao công nghệ” qua kênh “Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM” không những vẫn được bảo toàn trong đại dịch, mà còn chứng tỏ khả năng phát triển mạnh mẽ hơn.
Techmart tổ chức trên nền tảng trực tuyến tại địa chỉ techmart.techport.vn
Các hoạt động truyền thống của Techmart đã được CESTI tổ chức triển khai trên nền tảng số, với mô hình thiết kế sinh động, có tính tương tác cao, nhưng vẫn đảm bảo 3 nội dung: (1) Trưng bày, giới thiệu công nghệ; (2) Hội thảo trình diễn công nghệ; và (3) Tư vấn chuyên gia. Chỉ với vài thao tác bấm chọn đơn giản, khách quan tâm có thể liên hệ, trao đổi với các đơn vị cung ứng tại các gian triển lãm, tải tài liệu sự kiện, xem bản đồ toàn khu triển lãm, xem video giới thiệu công nghệ của các đơn vị tham gia,… Nếu như từ các năm 2020 trở về trước, do hạn chế về không gian mặt bằng, các Techmart tổ chức theo hình thức trực tiếp (tại 79 Trương Định, Quận 1), chỉ thu hút được hơn 100 công nghệ của 50 viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, thì với việc ứng dụng công nghệ số, các kỳ Techmart trực tuyến năm 2021 đã tổ chức trưng bày, giới thiệu được gần 400 công nghệ, thiết bị (gấp 4 lần hình thức tổ chức trực tiếp) của hơn 100 đơn vị cung ứng.
Là một “điểm nhấn” của các Techmart do CESTI tổ chức, hoạt động tư vấn do đội ngũ chuyên gia đầu ngành đến từ các viện, trường luôn là một trong những nội dung thu hút được các doanh nghiệp quan tâm. CESTI đưa công nghệ số vào các phòng tư vấn trực tuyến, cho phép khách hàng xem thông tin về chuyên gia, chủ động chọn phòng tư vấn, đặt lịch hẹn, liên hệ khi cần hỗ trợ,… qua các tính năng tương tác của hệ thống, tăng thêm “sức hút” cho hoạt động này.
Một trong những ưu thế mạnh mẽ của việc ứng dụng công nghệ số vào tổ chức hoạt động Techmart trong năm 2021 còn thể hiện ở chỗ, toàn bộ các hội thảo trình diễn công nghệ (34 chuyên đề hội thảo) đã được thực hiện trên nền tảng trực tuyến, kết hợp phát livestream trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách quan tâm theo dõi, tham dự và tiếp cận ngay đến các báo cáo viên phù hợp.
Có thể thấy, với việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác tổ chức thực hiện Techmart, CESTI đã mang lại nhiều “tiện ích” hơn cho các khách hàng của mình: các đơn vị khối nghiên cứu, sáng tạo có nhiều không gian hơn để truyền tải đầy đủ, đa dạng thông tin về các giải pháp công nghệ; về phía khách tham dự, hình thức tổ chức trực tuyến giúp giải quyết được nhiều bài toán, bên cạnh việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”, các nhu cầu tương tác, trao đổi, tư vấn phục vụ chuyển giao hầu như đã được giải quyết tốt. Ngoài ra, với các vị khách ở các địa phương xa, còn có thể là những bài toán liên quan đến chi phí thời gian, đi lại,… Những “tiện ích” này đã giúp Techmart “ghi điểm” trong việc thu hút khách hàng: nếu như từ năm 2020 trở về trước, các Techmart được tổ chức theo hình thức trực tiếp, bình quân mỗi năm thu hút hơn 500 lượt khách đến tham quan, thì trong năm 2021, với việc ứng dụng công nghệ số, tổ chức theo hình thức trực tuyến, Techmart đã thu hút được hàng chục nghìn lượt khách tham dự.
Các kỳ Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành (Techmart) được Sở KH&CN TP.HCM quan tâm chỉ đạo và giao Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) tổ chức nhằm thúc đẩy kết nối cung-cầu, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường KH&CN. Trong năm 2021, “Techmart chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch” được tổ chức từ ngày 28-29/10; “Techmart chuyên ngành Công nghệ sinh học” được tổ chức từ ngày 25-26/11 trên nền tảng trực tuyến, tại địa chỉ https://techmart.techport.vn/. |
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện cả nước đang tích cực phòng chống đại dịch Covid-19, việc nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động là yêu cầu cấp thiết đối với các ngành nghề, các lĩnh vực. Mạnh mẽ chuyển đổi hình thức hoạt động Techmart sang nền tảng trực tuyến, đã thể hiện sự thích ứng linh hoạt của CESTI trong bối cảnh dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của xã hội, và trên hết, tiếp tục khẳng định vai trò kết nối, hỗ trợ, đồng hành của CESTI trong việc đưa các sản phẩm, giải pháp công nghệ nhanh chóng được triển khai vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Lê Anh. Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu của Đổi mới sáng tạo. https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/chuyen-doi-so--xu-huong-tat-yeu-cua-doi-moi-sang-tao-524125.html
[2] Gia Huy. Đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia. http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Day-manh-chuyen-doi-so-de-tao-loi-the-canh-tranh-quoc-gia/20219/30468.vgp
[3] Chuyển đổi số từ góc nhìn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/19943/chuyen-doi-so-tu-goc-nhin-khoa-hoc--cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao.aspx
[4] Hoàng Kim. Khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch 2021. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/khai-mac-cho-cong-nghe-va-thiet-bi-chuyen-nganh-cong-nghe-sau-thu-hoach-2021-f2af7171-8352-4b83-8d57-24c6ac968e1f
[5] Lam Vân. Techmart Công nghệ sinh học 2021: giới thiệu hàng trăm công nghệ thiết bị trên nền tảng trực tuyến. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/techmart-cong-nghe-sinh-hoc-2021-gioi-thieu-hang-tram-cong-nghe-thiet-bi-tren-nen-tang-truc-tuyen-74d5417e-f040-48ca-bc21-cd5839e05ceb