Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ số vào giáo dục, hướng đến giáo dục thông minh và học tập suốt đời là những bước đi phù hợp của TP.HCM, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu và mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

 

Xu hướng giáo dục trong thời đại số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển đột phá của công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa, vật lý và sinh học, giữa thế giới thực và không gian số, tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi toàn diện mọi mặt của cuộc sống từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội. Những thay đổi mang tính đột phá của công nghệ số dẫn đến các xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực trong đó có giáo dục.

Việc đưa công nghệ vào lớp học đã thay đổi hoàn toàn phương thức giáo dục, vươn tới một không gian giáo dục chủ động và toàn cầu. Nếu ở các lớp học truyền thống, người học chỉ có thể tiếp thu bài khi lên lớp, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, thì việc áp dụng công nghệ số giúp người học có thể tự học, tự nghiên cứu mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị. Thông qua môi trường số, người học có thể chia sẻ ý tưởng, hiểu biết, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, hướng tới tự do khám phá, linh hoạt, chủ động. Do bản chất và mục tiêu hướng đến khác nhau, nên quá trình học tập cũng khác nhau, giáo dục truyền thống chỉ gói gọn trong 12 năm, còn quá trình học tập của giáo dục 4.0 là học tập suốt đời, người học được tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như giáo viên, sách, báo, bảo tàng, các học liệu mở, học qua internet,... Và trên hết, sự tích hợp công nghệ số vào giảng dạy sẽ giảm thời gian thuyết giảng của giáo viên, người học không cần chú tâm nhiều vào việc ghi chép.

Hiện nay có rất nhiều công cụ số được ứng dụng vào giảng dạy, giúp nâng cao khả năng trải nghiệm của học sinh, hỗ trợ rất nhiều cho công việc của giáo viên. Các xu hướng công nghệ trong dạy và học có thể kể đến như: đào tạo trực tuyến (E-learning), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), xây dựng và phát triển dữ liệu lớn (BigData), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích tổng hợp kết quả giảng dạy, trò chơi điện tử ứng dụng hóa (Gamification), sử dụng thực tế tăng cường (VR) và thực tế ảo (AR) để học tập tương tác nhập vai, giáo dục STEAM,… Với những phương pháp phát triển sáng tạo, phi truyền thống, tri thức và sự chia sẻ tri thức được đề cao, hướng tới mọi người và từng cá thể.

Các xu hướng công nghệ trong dạy và học (Nguồn: Hội thảo trực tuyến:“Ứng dụng KHCN vào đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030” ngày 4/12/2021)

 

TP.HCM hướng đến mô hình giáo dục thông minh

Nắm bắt xu thế thời đại, từ nhiều năm qua, hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục trên cả nước đã từng bước đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông minh. Riêng tại TP.HCM, ngành giáo dục đã tham mưu xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tăng cường khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ sử dụng thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ; triển khai thành công và có hiệu quả nhiều dịch vụ công trực tuyến và phát triển các ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý. Các đơn vị và cơ sở giáo dục đều có cán bộ phụ trách CNTT, đảm bảo thống nhất trong quản lý hoạt động ứng dụng và triển khai CNTT.

Ngày 06/9/2021, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã phê duyệt Đề án: “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030”, với mục tiêu chung là ứng dụng và phát triển công nghệ số vào giáo dục phổ thông, tạo nguồn nhân lực cho thành phố thông minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục, được học tập và nâng cao trình độ liên tục, suốt đời, nâng cao nhận thức của mọi người trong xã hội.

Hiện nhiều trường học trên địa bàn thành phố đang bước đầu triển khai mô hình GDTM, ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý. Ở các trường như THPT Việt Úc, Trường THCS Đức Trí,… học sinh có thể học trực tuyến qua lớp học ảo, tài liệu số, thời gian và không gian học tập mở; nhiều nội dung chuyên đề, ngoại khóa liên quan đến lĩnh vực tự động hóa ứng dụng được đưa vào dạy và học ở các trường THPT Trần Phú, THCS Võ Trường Toản (Quận 2); hay STEM, STEM robot, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được dạy và học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong,...

Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời” được chia mục tiêu với 02 giai đoạn:
- Giai đoạn 2021-2025: Thành phố xây dựng hệ thống quản lý giáo dục, dạy học thông minh, như cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thành phố, kết nối các trường, điều hành hoạt động giáo dục với giải pháp CNTT qua trung tâm điều hành, sổ sách điện tử, hệ thống quản trị trường, lớp, cơ sở vật chất liên thông, đồng bộ và chia sẻ. Dạy học và kiểm tra đánh giá thông minh, lớp học thông minh, ứng dụng AI xây dựng phần mềm dạy học, dạy học trực tuyến,…
- Giai đoạn 2025-2030: hướng đến xây dựng chương trình dạy học hiện đại (STEM, tự động hóa ứng dụng, các chương trình cơ bản về AI…); xây dựng phòng thí nghiệm ứng dụng phần mềm mô phỏng, thí nghiệm hiện đại; ứng dụng AI và BigData xây dựng hệ thống thi, kiểm tra khảo sát.

Trước đó, kể từ năm 2018, Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục hiện đại, nâng cao năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về tầm nhìn, định hướng và kinh nghiệm đổi mới giáo dục quốc tế. Tại TP.HCM, rất nhiều chương trình, giải pháp phát triển giáo dục hiện đại đã được thảo luận rộng rãi trên các diễn đàn hàng năm. Có thể điểm qua như: Hội thảo “Nhà trường thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” (do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức tháng 12/2018), thảo luận giải pháp phát triển mô hình Nhà trường thông minh, tạo bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0; Hội thảo “Giáo dục thông minh” (do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức tháng 12/2019) nhằm đánh giá tổng thể hiệu quả một số mô hình GDTM đang triển khai tại TP.HCM, từ đó củng cố, mở rộng, nâng cao và nhân rộng các mô hình hay. Hội thảo "Giáo dục STEM - Từ lớp học đến cuộc sống" (do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức tháng 10/2020) nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình giáo dục STEM đối với công tác giảng dạy học sinh. Hội thảo “Thách thức và cơ hội của việc dạy học và đánh giá trên môi trường internet" (do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và một số đơn vị khác tổ chức tháng 10/2021), thảo luận những kinh nghiệm, giải pháp khắc phục hạn chế, cải thiện chất lượng kiểm tra và đánh giá trực tuyến trong giảng dạy hiện nay, phân biệt dạy trực tuyến, học trực tuyến, lớp học ảo trực tuyến (kết hợp online và offline – blended teaching & learning), xây dựng lớp học ảo, cách thức phát triển, khai thác hệ thống học liệu điện tử.

Gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Sao Mai Education Group tổ chức một số hội thảo giới thiệu các giải pháp ứng dụng KH&CN vào phát triển GDTM, ví dụ như công cụ Learning Management System (LMS) giúp tăng cường tương tác và chất lượng dạy học trực tuyến, thi trực tuyến; quản trị và lập báo cáo các hoạt động dạy học trực tuyến, giải pháp tổng thể đào tạo và khảo thí trực tuyến,... trong bối cảnh người học không thể đến trường vì Covid-19. Một số giải pháp như trường học thông minh, phòng học thông minh, thư viện thông minh,… đã được triển khai hiệu quả tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố, giúp học sinh thêm hứng thú và thể hiện khả năng sáng tạo.

Là đơn vị chuyên phát triển nền tảng GDTM, ông Đào Ngọc Hoàng Giang (Tổng Giám đốc Sao Mai Education Group) cho biết, trường học thông minh là trung tâm của mọi hoạt động nhà trường, tăng tính liên kết, quản lý được nguồn cơ sở dữ liệu hiệu quả. Để xây dựng trường học thông minh, cần trải qua 4 bước: xây dựng nền tảng hạ tầng CNTT, hoàn thiện hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu; xây dựng thư viện thông minh; hệ thống đào tạo trực tuyến; nâng cấp và xây dựng các phòng học thông minh hiện đại để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.

Giải pháp trường học thông minh do Sao Mai Education Group mang đến dựa trên nền tảng hệ thống điều khiển a phương tiện từ xa, cho phép kiểm soát và quản lý các trang thiết bị trong lớp học và trong các cơ sở của trường, bao quát các hoạt động dạy và học, có thể hỗ trợ và vận hành từ xa. Trong đó, phòng học thông minh là một thành phần quan trọng, kết nối các thành phần khác trong hệ thống bằng công nghệ không dây, giao tiếp với thiết bị điều khiển di động qua mạng, tạo thành hệ thống điều khiển tích hợp, thực hiện việc thu thập, sử dụng dữ liệu lớn (big data) và quản lý tài sản. Hiện, phòng học thông minh đã được áp dụng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, phục vụ cho việc dạy lý thuyết tích hợp dạy thực hành đa phương tiện, học ngoại ngữ, khảo thí online và những hoạt động học tập khác.

Phòng học thông minh tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nguồn: Sao Mai Education)

Một không gian học tập khác là thư viện thông minh góp phần giúp các hoạt động của nhà trường linh hoạt hơn. Giáo viên vẫn chia sẻ được tri thức đến người học mà không cần đến lớp. Dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại hàng đầu trên thế giới, Sao Mai đưa ra những phương thức để cấu trúc lại thư viện hiện đại hơn từ việc thiết kế tổng thể cho tới cung cấp giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm vào quản lý, quản trị thư viện, đưa các công nghệ lõi vào trong thư viện và cuối cùng đó là giải pháp số hóa để xây dựng một thư viện thông minh với từng mục tiêu và từng cấp độ trong giáo dục.

Giải pháp tổng thể cho thư viện thông minh (SmartLib) do Sao Mai xây dựng kết nối giữa phần mềm thư viện điện tử và thư viện số; nền tảng quản lý hệ thống thư viện với các trang thiết bị tự động hóa và an ninh thư viện cốt lõi, gồm: cổng an ninh RFID, hệ thống phân loại sách tự động flexAMH, kệ sách thông minh SmartShelf… Đây cũng là giải pháp đã được áp dụng tại trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM, trên nền tảng thư viện mở, gồm khu vực học nhóm, thư giãn, studio và phòng chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số trong thư viện.

Thư viện thông minh trên nền tảng thư viện mở tại Trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM (Nguồn: Sao Mai Education).

Với những giải pháp chuyên biệt cho từng không gian và mục tiêu học tập khác nhau, hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã góp phần mở rộng thời gian, không gian, tài liệu học tập và phương pháp học tập, vượt qua giới hạn của bài giảng trên lớp học truyền thống. Cùng với việc triển khai đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh”, GDTM chính là bước đi phù hợp với xu thế của TP.HCM, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, tạo nguồn lực xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại.

Thu Hà

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Lam Vân. Giải pháp đào tạo trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/giai-phap-dao-tao-truc-tuyen-trong-thoi-ky-dich-benh-covid-19-f5c8a73b-5122-494f-a34d-2e1b3140ff29
[2] Báo Giáo dục và Thời đại.TPHCM kỳ vọng với đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời”. https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/tphcm-ky-vong-voi-de-an-giao-duc-thong-minh-va-hoc-tap-suot-doi-cKvaXvSnR.html
[3] Mai Thy. Ứng dụng khoa học - công nghệ vào đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030. http://www.khoahocphothong.com.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-de-an-giao-duc-thong-minh-va-hoc-tap-suot-doi-tai-tp-hcm-giai-doan-2021-2030-59110.html
[4] Hội thảo trực tuyến: “Ứng dụng KHCN vào đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030” ngày 4/12/2021. https://saomaiedu.com/hoi-thao-truc-tuyen-ung-dung-khcn-vao-de-an-giao-duc-thong-minh-va-hoc-tap-suot-doi-tai-tp-hcm-giai-doan-2021-2030/
[5] Hồng Khánh. Tám xu hướng công nghệ giáo dục năm 2021. https://vnexpress.net/tam-xu-huong-cong-nghe-giao-duc-nam-2021-4217302.html

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập