Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn của hàng nông sản Việt. Gần đây, nhiều cảnh báo về an toàn thực phẩm đã được EU đưa ra với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nông sản, thực phẩm trong nước cần đặc biệt quan tâm.
Đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề được các quốc gia rất quan tâm, nhất là ở các thị trường lớn như Liên minh châu Âu, với nhiều quy định rất khắt khe.
Chôm chôm, một trong những sản phẩm bị EU cảnh báo về an toàn thực phẩm. (Nguồn: Congthuong.vn)
Quy định về an toàn thực phẩm của EU
Để bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh các quy định riêng của từng nước thành viên EU đối với một số sản phẩm nhập khẩu, EU có rất nhiều quy định về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đối với các sản phẩm như như rau quả tươi, các sản phẩm đã qua chế biến, phải tuân thủ các quy định về dư lượng chất tồn dư tối đa (MRL) theo Quy định 1881/2006 (EC, 2017a). Quy định về MRL của EU thường xuyên cập nhật danh sách các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cũng như mức độ tồn dư tối đa trên sản phẩm. Đối với một số thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh sách, EU áp dụng mức MRL rất thấp (0,01mg/kg).
Trong quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, sản phẩm có thể bị nhiễm một số tạp chất như độc tố nấm (aflatoxin, ocharatoxin A, patulin), kim loại nặng (chì, thiếc, cadmium) hoặc các tạp chất vi sinh (vi khuẩn E.Coli, salmonella, norovirus…). Tuy hàm lượng tạp chất thường rất ít và không gây hại cho người tiêu dùng, nhưng EU đều có những quy định cụ thể (Bảng 1).
Bảng 1: Quy định của EU về hàm lượng tối đa tạp chất chì và cadmium trong rau quả tươi
(Nguồn: trungtamwto.vn)
Bên cạnh đó, EU cũng có các quy định về kiểm dịch thực vật để đảm bảo cây trồng không nhiễm các sinh vật gây hại như sâu bệnh, rầy mềm,…; thực phẩm từ thực vật không được chứa các sinh vật gây hại nguy hiểm (Chỉ thị 2000/29/EC).
Các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU đều được kiểm tra kỹ. Nếu phát hiện có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp, hoặc lượng thuốc tồn dư, tạp chất không phù hợp, sản phẩm sẽ phải gánh chịu các biện pháp xử lý tương ứng, trong đó, hình thức phạt cao nhất là đình chỉ nhập khẩu từ nước vi phạm (EC, 2017b). Nếu vi phạm liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch hại trên thực vật, sản phẩm có thể bị tiêu hủy hoặc phải đưa ra khỏi EU. Nếu các vi phạm lặp lại nhiều lần, sản phẩm vi phạm và nước xuất khẩu sẽ bị đưa vào danh sách cảnh cáo của EU. Khi đó, sản phẩm sẽ chịu sự kiểm tra tăng cường hoặc các điều kiện nghiêm ngặt hơn.
Quy định của EU về lượng tồn dư tối đa (MRLs) trên các sản phẩm thực phẩm (Nguồn: eur-lex.europa.eu) |
Tất cả các vi phạm sẽ được cảnh báo trên RASFF (Hệ thống cảnh báo nhanh Châu Âu về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi - hệ thống chia sẻ thông tin giữa các cơ quan bảo vệ an toàn thực phẩm của các nước thành viên EU, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu, Na Uy, Liechtenstein, Iceland và Thụy Sĩ), khi phát hiện mặt hàng thực phẩm không an toàn, nhằm ngăn chặn mặt hàng đó thâm nhập thị trường EU, cũng như để triển khai các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
Trong 2 năm 2020 và 2021, EU đã đưa ra 51 cảnh báo trên RASFF đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, có tới 74,5% vi phạm liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 15,7% liên quan đến tạp chất, còn lại (9,8%) là thực phẩm trái phép.
Cảnh báo của EU về các loại thực phẩm Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trên RASFF. (Nguồn: Tổng hợp từ webgate.ec.europa.eu.)
Tính riêng tháng 10 năm 2021, đã có 4 cảnh báo liên quan đến thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là hoa quả, thảo mộc,... Trong đó, có 3 sản phẩm bị cảnh báo liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và 1 sản phẩm liên quan đến tạp chất vi sinh vượt quá quy định. Cụ thể, Cảnh báo 2021.5398 (ngày 7/10) với sản phẩm quả chôm chôm, do phát hiện chất cấm Permethrin lên đến 0,93 mg/kg (theo quy định của EU, mức dư lượng Permethrin tối đa trên các sản phẩm thực phẩm chỉ từ ,05-0,1 mg/kg, tùy từng loại sản phẩm). Đây là hoạt chất thuộc nhóm thuốc trừ sâu, tác động đến hệ thần kinh, gây co thắt cơ, tê liệt và làm chết côn trùng, có ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Cảnh báo số 2021.5783 (ngày 26/10) liên quan đến sản phẩm mộc nhĩ khô, có dư lượng Chlorpyrifos ở mức 0,24±0,12 ppm cao hơn khoảng 24 lần so với quy định (EU) 2020/1085 (0,01 ppm). Mức độ vi phạm này được đánh giá là có độ rủi ro nghiêm trọng, Đức đã tiến hàng thu hồi toàn bộ lô hàng số MHD 30.01.2023 trên thị trường. Tương tự, Cảnh báo số 2021.5861 (ngày 27/10) với sản phẩm hạt tiêu đen 3mm, cũng có dư lượng Chlorpyrifos ở mức 0,035±0,018 ppm, cao gấp khoảng 3,5 lần quy định. Cảnh báo cuối cùng trong tháng 10, số 2021.5839, đề cập đến sản phẩm bột quế, do lượng vi khuẩn Bacillus cereus ở mức khá cao (16.000 CFU/g), so với mức tối đa cho phép là 1.000 CFU/g.
Có thể thấy rằng, phần lớn số cảnh báo về sản phẩm của Việt Nam liên quan đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Do tần suất vi phạm của hàng Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều, EU đã công bố Quy định 2021/1900 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU, trong đó có quy định tăng cường kiểm tra sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, với tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật từ 10-50%, tùy theo loại sản phẩm. Định kỳ mỗi 6 tháng, EU sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ các nước chịu sự áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát tạm thời tại các chốt kiểm soát biên giới, để đảm bảo an toàn thực phẩm. Quy định này được áp dụng từ ngày 23/11/2021.
Nâng tầm chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu EU
Với những sản phẩm bị cảnh cáo do không tuân thủ các quy định của EU, lô hàng có thể sẽ bị hủy, hoặc chuyển đi nơi khác, và người xuất khẩu phải chịu toàn bộ chi phí. Do đó, các lô hàng bị cảnh cáo sẽ gây tốn kém thêm cho nhà xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh và cả các sản phẩm tương tự tại nước xuất khẩu.
Để hạn chế những vi phạm không đáng có khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU, doanh nghiệp cần phải chắc chắn hàng hóa đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng các nguyên tắc và quy định của nước nhập khẩu và cập nhật thường xuyên những thay đổi về quy định của EU, đặc biệt là những thay đổi về tỉ lệ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép trong sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đổi mới quy trình sản xuất, nâng cấp các thiết bị, máy móc, phương thức chế biến bảo quản, đóng gói, dây chuyền vận chuyển hiện đại để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm của EU.
Một điều quan trọng đối với các doanh nghiệp có sản phẩm từng vi phạm các quy định của EU là cần lưu lại mọi thủ tục, yêu cầu để tham chiếu cho các lô hàng sau. Với những lô hàng sản phẩm nghi ngờ có vấn đề, có thể bị từ chối, thì doanh nghiệp nên có hướng thu hồi, hoặc thông báo cho khách hàng biết. Điều này sẽ chứng minh việc doanh nghiệp đã có động thái đi trước, quan tâm đến an toàn thực phẩm, đề cao sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Hạnh. EU đưa ra 4 cảnh báo với sản phẩm Việt Nam xuất khẩu trong tháng 10/2021. https://congthuong.vn/eu-dua-ra-4-canh-bao-voi-san-pham-viet-nam-xuat-khau-trong-thang-102021-167239.html
[2] Các tiêu chuẩn doanh nghiệp Việt cần chú ý khi xuất khẩu hàng hoá sang EU. https://vnce.vn/cac-tieu-chuan-doanh-nghiep-viet-can-chu-y-khi-xuat-khau-hang-hoa-sang-eu
[3] Thông báo từ EU. https://webgate.ec.europa.eu/rasff-window/screen/list
[4] Council Directive 2000/29/EC. https://www.ppd.gov.vn/uploads/news/KDTV/Cac%20qui%20dinh%20ve%20KDTV%20cua%20EU%20_%20Council%20Directive%202000_29_EC-1.pdf
[5] Commission Regulation (EU) 2017/978. https://eur-lex.europa.eu/legal-content/en/ALL/?uri=CELEX:32017R0978