“Made in Vietnam” nhưng không phải là hàng Việt Nam??? Bất cập do các quy định hiện hành về cách ghi xuất xứ hàng hóa trên nhãn sản phẩm của Việt Nam chưa cụ thể, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, sản phẩm ngoại nhập lợi dụng trà trộn núp bóng, gây nhầm lẫn và thiệt hai cho người tiêu dùng,… sẽ được giải quyết với Nghị định 111/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
(Nguồn: thuvienphapluat.vn)
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại, trao đổi mua bán hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mọi loại hàng hóa lưu thông trên thị trường đều phải ghi nhãn hàng hóa, xuất xứ. Việc ghi nhãn hàng hóa, xuất xứ sẽ giúp đưa thông tin, quảng bá hàng hóa của doanh nghiệp cho người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn sản phẩm. Đây cũng chính là căn cứ để cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa khi lưu thông.
Tùy theo thành phần nguyên liệu, cách sản xuất chế biến sản phẩm mà mỗi nước có những quy định về ghi nhãn hàng hóa, xuất xứ khác nhau.
Quy định về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa tại một số nước
Tại Mỹ
Theo quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), một sản phẩm có nguồn gốc trong nước hay hàng hóa phải được sản xuất toàn bộ (hoặc gần như toàn bộ) tại Mỹ thì mới được ghi nhãn “Made in USA”. Để hàng hóa được coi là sản xuất toàn bộ hoặc gần như toàn bộ tại Mỹ, FTC sẽ kiểm tra cả nơi chế biến (hoặc lắp ráp) cuối cùng, cũng như các yếu tố về chi phí chế biến, tỉ lệ nội địa hóa,… của nó.
Một số sản phẩm không đủ điều kiện gắn nhãn “Made in USA” nhưng được lắp ráp tại Mỹ (hay trong nguyên liệu có phần xuất xứ từ Mỹ, hay được thiết kế bởi công ty ở Mỹ,..) thì nhà sản xuất phải sử dụng các cụm từ như “assembled in…”, “designed by…”, “packaged in…”, "packaged by…” trong nhãn sản phẩm. Ví dụ điển hình là sản phẩm iPhone của Apple, với dòng chữ “Designed by Apple in California. Assembled in China” (tạm dịch: Do Apple thiết kế tại California và lắp ráp ở Trung Quốc).
Mặt sau sản phẩm iPhone của Apple ghi xuất xứ“Designed by Apple in California. Assembled in China”. (Nguồn: laodong.vn)
Tại Canada
Theo website của Chính phủ Canada, để được dán nhãn “Made in Canada”, hàng hóa phải trải qua quá trình biến đổi đáng kể lần cuối tại Canada; ít nhất 51% chi phí trực tiếp để sản xuất hoặc chế tạo hàng hóa phát sinh tại Canada, có thể kèm với thông báo thích hợp về chất lượng, như “Sản xuất tại Canada, với 60% của Canada và 40% nhập khẩu”.
Với sản phẩm ghi nhãn “Product of Canada”, yêu cầu quá trình biến đổi sản phẩm cuối cùng diễn ra tại Canada. Ít nhất 98% tổng chi phí trực tiếp để sản xuất hoặc chế tạo hàng hóa phải diễn ra ở Canada.
Tại Thụy Sĩ
Theo quy định, sản phẩm muốn sử dụng nhãn xuất xứ "Made in Switzerland" phải đáp ứng các yêu cầu: nếu hàng hóa là các mặt hàng công nghiệp, chi phí sản xuất thực hiện tại Thụy Sỹ phải đóng góp tối thiểu 60%. Nếu hàng hóa là các mặt hàng thực phẩm, tỉ lệ nguyên liệu thô và quá trình sản xuất thiết yếu tại Thụy Sĩ phải đạt ít nhất 80%.
Tại Úc
Đạo luật cạnh tranh và tiêu dùng của Úc không yêu cầu hàng hóa phải dán nhãn nước xuất xứ. Tuy nhiên, để được gắn mác “Made in Australia”, một mặt hàng phải có quá trình sản xuất (hay biến đổi hình dáng, trạng thái, chức năng) đáng kể ở Úc. Hơn nữa, ít nhất 50% chi phí sản xuất hoặc gia công mặt hàng đó phải được thực hiện tại Úc. Luật pháp Úc cũng không cho phép sử dụng nhãn mác “Made in Australia”, và đặc biệt là nhãn “Product of Australia”, nếu sản phẩm có số bộ phận hoặc thành phần đáng kể từ nhập khẩu.
Tại Nhật Bản
Nhật bản quy định xuất xứ là quốc gia thực hiện quy trình hoàn thiện đáng kể cuối cùng để tạo ra một đặc tính mới cho hàng hóa. Theo đó, hàng hóa sản xuất tại Nhật (Made in Japan) được quy định gồm: sản phẩm khoáng sản được khai thác tại Nhật (bao gồm cả thềm lục địa); cây và sản phẩm thực vật được thu hoạch ở Nhật; động vật sống sinh ra và lớn lên ở Nhật; sản phẩm có nguồn gốc từ động thực vật sống ở Nhật; sản phẩm thu được bằng cách săn bắn, đánh bẫy hoặc đánh cá ở Nhật,…
Quy định mới của Việt Nam về ghi nhận xuất xứ hàng hóa
Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, ban hành ngày 14/4/2017, của Chính phủ về nhãn hàng hóa, đã quy định: “Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định”. Khoản 2 Điều 15 Nghị định này cũng xác định cách ghi xuất xứ hàng hóa: “Ghi cụm từ “Sản xuất tại...” hoặc “Chế tạo tại...”, “Nước sản xuất...”, “Xuất xứ...” hoặc “Sản xuất bởi...” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó”.
Khái niệm về xuất xứ hàng hóa |
Tuy nhiên, cách ghi xuất xứ như trên rất dễ gây nhầm lẫn và việc xác định thế nào là sản phẩm của một nước (ví dụ như Việt Nam), hay sản xuất tại nước nào đó chưa được quy định cụ thể, khiến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lúng túng trong việc xác định chính xác xuất xứ hàng hóa để thể hiện trên nhãn hàng hóa.
Thực tế, nhiều mặt hàng vốn chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam cũng được gắn nhãn “Hàng Việt Nam”, “Xuất xứ tại Việt Nam”, “Sản xuất tại Việt Nam”, “Made in Việt Nam”,…để lưu thông, nhưng các cơ quan chức năng không có căn cứ xử lý. Nhiều loại hàng hóa nước ngoài cũng trà trộn, mượn danh “Xuất xứ Việt Nam” để hưởng lợi bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.
Để giải quyết những tồn tại, vướng mắc; hoàn thiện quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa để phòng, chống gian lận thương mại, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, ngày 9/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/2/2022), về sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017. Trong đó, quy định xuất xứ hàng hóa vẫn được ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ như: “Sản xuất tại …”; “Chế tạo tại …”; “Nước sản xuất …”; “Xuất xứ …”; “Sản xuất bởi …”; “Sản phẩm của …”, khi các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định được xuất xứ của hàng hóa (đã được đề cập ở Nghị định 43/2017). Thường là các trường hợp như sau: Thứ nhất, hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ một nước (như: cây trồng, các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch trực tiếp trên lãnh thổ nào đó; động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng trên lãnh thổ đó; các sản phẩm thu được từ săn bắn trên lãnh thổ đó;…). Thứ hai, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ một nước, nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại một lãnh thổ đã làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa đó.
Đối với những trường hợp hàng hóa các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu không tự xác định được xuất xứ, Nghị định 111/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về việc ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Lúc này, nhãn hàng hóa trên sản phẩm sẽ ghi bằng một (hoặc kết hợp một số) cụm từ thể hiện các công đoạn hoàn thiện, như: “Lắp ráp tại…”; “Đóng chai tại…”; “Phối trộn tại…”; “Hoàn tất tại…”; “Đóng gói tại…”; “Dán nhãn tại…”. Cách ghi này khá tương đồng với một số quy định ghi nhãn của các nước như Mỹ, Úc,…
Như vậy, Nghị định111/2021/NĐ-CP khi đi vào thực tế, sẽ giúp thông tin về hàng hóa minh bạch hơn, nhất là các hàng hóa Việt Nam, vốn đang bị giả mạo xuất xứ khá nhiều; doanh nghiệp giải quyết được các vướng mắc trong cách ghi nhận xuất xứ hàng hóa, từ đó, giúp ngăn ngừa và phòng chống hiệu quả các gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp chân chính, cũng như lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Xuất xứ hàng hóa - các nước quy định ra sao?( 03/01/2020). https://baophapluat.vn/xuat-xu-hang-hoa-cac-nuoc-quy-dinh-ra-sao-post328047.html
[2] Quy định mới về xuất xứ hàng hóa (10/12/2021). https://haiquanonline.com.vn/quy-dinh-moi-ve-xuat-xu-hang-hoa-156725.html
[3] Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của chính phủ về nhãn hàng hóa. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-111-2021-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-43-2017-ND-CP-497099.aspx
[4] Complying with the MADE IN USA STANDARD. https://www.ftc.gov/system/files/documents/plain-language/bus03-complying-made-usa-standard.pdf
[5] Understanding country of origin labels. https://www.qld.gov.au/law/your-rights/consumer-rights-complaints-and-scams/buying-products-and-services/buying-products/food/origin-country