Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế lớn, hội tụ nhiều công nghệ số mang tính đột phá, như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud),... để thực hiện siêu kết nối giữa thế giới thực và không gian số, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì thế, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của thời đại đang là nhu cầu cấp thiết của các ngành nghề, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát như hiện nay.
Là một đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trong năm 2021, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (CESTI) đã có nhiều động thái chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động theo xu thế chuyển đổi số. Đa phần các nhiệm vụ của CESTI đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong triển khai.
Công tác tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành (Techmart) nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực, là một ví dụ. Đây là một hoạt động thường niên, vốn thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng nhờ tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận, trao đổi giữa các bên cung - cầu công nghệ tại Sàn Giao dịch công nghệ (79 Trương Định, Quận 1). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành mạnh ở nước ta từ đầu năm 2020, và đặc biệt là đợt bùng phát dịch từ tháng 5/2021, CESTI đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động tổ chức Techmart, với mục tiêu vừa đảm bảo giới thiệu kịp thời các sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ đến các doanh nghiệp có nhu cầu, vừa đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch cùng cả nước. Các Techmart chuyên ngành được CESTI tổ chức năm 2021 hoàn toàn theo phương thức trực tuyến. Với việc ứng dụng các công cụ số, CESTI đã giới thiệu đến cộng đồng phương thức “đi chợ công nghệ” mới: đi chợ từ xa, nhưng trao đổi, thảo luận, đàm phán giữa các bên cung - cầu công nghệ lại rất gần - theo “thời gian thực”. Với những ưu thế của nền tảng công nghệ số (không bị giới hạn về không gian, thời gian tổ chức; hình thức tham dự đơn giản, thuận tiện; các công cụ hỗ trợ đa dạng, phong phú,…) các Techmart chuyên ngành năm 2021 (chủ đề: Công nghệ sau thu hoạch – Tháng 10/2021 và Công nghệ sinh học – Tháng 11/2021) đã thu hút được nhiều đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ tham gia, cùng nhiều giải pháp công nghệ được đưa đến giới thiệu (số lượng các giải pháp công nghệ giới thiệu tăng gấp 4 lần các sự kiện truyền thống). Các hoạt động truyền thống khác của Techmart (như hội thảo, tư vấn chuyên gia) được tổ chức trực tuyến đã cung cấp những tùy chọn phong phú hơn cho khách tham dự. Chuỗi 34 hội thảo trực tuyến với nhiều nội dung phong phú; công tác tư vấn chuyên gia trực tuyến đảm bảo chất lượng, vận hành liên tục, kịp thời; khả năng lan tỏa, tiếp cận thông tin nhanh hơn, rộng hơn,... đã mang lại thành công tốt đẹp cho hoạt động này trong năm 2021.
Chuyển đổi số cũng được CESTI vận dụng trong các công tác tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ, và hoạt động tư vấn, kết nối cung - cầu công nghệ, với kết quả 40 sự kiện được thực hiện theo hình thức trực tuyến trong năm 2021, mang lại hiệu quả thiết thực cho các đơn vị tham gia. Lượng khách tham dự các sự kiện trực tuyến, ứng dụng công nghệ số, cao hơn hẳn so với việc tổ chức hoạt động theo phương thức truyền thống trước đây.
Có thể nói, trong “nguy” có “cơ”. Vấn đề là ứng biến với biến cố như thế nào để chuyển hóa “nguy” thành “cơ”. Việc nhanh nhạy, linh hoạt, chuyển hướng hoạt động kịp thời trong những tình huống, những giai đoạn khó khăn sẽ là yếu tố giúp các tổ chức, cá nhân vượt qua các rào cản để tồn tại và phát triển. Ở CESTI, đó là sự vận dụng kịp thời, triệt để công nghệ số vào các hoạt động xúc tiến, phát triển thị trường khoa học và công nghệ (một hoạt động thường gắn liền với các liên hệ tiếp xúc trực tiếp giữa các bên cung - cầu công nghệ), không chỉ duy trì ổn định được các hoạt động truyền thống, đảm bảo chất lượng công việc, mà hiệu quả lan tỏa còn tăng cao rõ rệt (gấp 10 lần so với việc tổ chức các hoạt động theo phương thức truyền thống trước đây).
Rõ ràng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội như hiện nay, việc chuyển đổi số phải là trọng tâm triển khai tại các đơn vị, doanh nghiệp để có thể sớm phục hồi và phát triển, góp phần ổn định kinh tế và đời sống trong điều kiện “bình thường mới”.
BBT