Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên; các đợt lạnh tăng cường ở miền Bắc; xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long,... cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt ở Việt Nam. Nhanh chóng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống theo hướng ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp ngành nông nghiệp khắc phục được khó khăn và thích ứng với tình hình mới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, GDP của ngành nông nghiệp tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 23,52% vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế nước ta. Với sự đóng góp đáng kể này, nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh việc sản xuất nông, lâm, thủy sản nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước, Việt Nam cũng đang tham gia vào thị trường xuất khẩu rộng lớn, với giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này 9 tháng đầu năm 2021 đạt 23,87 tỷ USD (tăng 13,25% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một thách thức lớn với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nông nghiệp và biến đổi khí hậu
Trước đây, BĐKH diễn ra trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên, tuy nhiên thời gian gần đây, BĐKH xảy ra do tác động bởi các hoạt động của con người như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp, thải ra môi trường khí nhà kính. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố năm 2016, nhiệt độ trung bình trong năm dự kiến sẽ tăng từ 1,9-2,4°C ở miền Bắc và 1,7-1,9°C ở phía Nam đến cuối thế kỷ 21; mực nước biển dự kiến tăng trung bình khoảng 32-76 cm vào năm 2100 quanh bờ biển Việt Nam.
Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia. (Nguồn: sotnmt.ninhthuan.gov.vn)
Theo đánh giá của Maplecroft (một tổ chức quốc tế trong lĩnh vực mô hình dữ liệu, phân tích rủi ro và dự báo chiến lược) về Chỉ số dễ bị tổn thương do BĐKH (Climate Change Vulnerability Index - CCVI), Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia “cực kỳ rủi ro” trên thế giới, chịu tác động tiêu cực của BĐKH đến tăng trưởng GDP, dân số cũng như diện tích đất và sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, thiên tai đã làm Việt Nam thiệt hại ước tính hơn 35.181 tỷ đồng. Trong năm 2021 (tính đến tháng 8/2021) đã xảy ra gần chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới, các trận động đất, mưa lũ, ước tính thiệt hại khoảng 264,4 tỷ đồng. Dự báo trong những năm tới, BĐKH sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn so với trước đây. BÐKH có thể làm năng suất lúa vụ xuân giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn/hécta vào năm 2050. Năng suất bắp giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn/ha vào năm 2050. Thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP vào năm 2030. Do đó, việc tăng cường đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), thích ứng với BĐKH là đặc biệt quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Để nâng cao năng suất chất lượng, tạo sự phát triển bền vững trong nông nghiệp, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và ảnh hưởng của BĐKH ngày càng gay gắt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ĐMST là rất cần thiết. Là trung tâm kinh tế của cả nước, TP.HCM luôn quan tâm và có nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa X trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng, năng suất cao và thích ứng với BĐKH.
Ngày 8/9/2021, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3273/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp là triển khai các chương trình dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH mang tính cấp bách trên cơ sở phân tích chi phí, lợi ích phù hợp với nguồn lực, mang lại hiệu quả; quản lý rừng bền vững, ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng, trồng, bảo bệ, phục hồi rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển huyện Cần Giờ.
Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Thành phố, nhiều công nghệ tiên tiến, công nghệ thích hợp như công nghệ sinh học, robot, nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm,… đã được ứng dụng, chuyển giao thành công tại TP.HCM, tạo ra nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Sự kiện Kết nối ý tưởng trực tuyến chủ đề “Giải pháp IoT trong nông nghiệp thông minh - giám sát và quản lý nhà màng” ngày 17/12/2021
Trong top 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiêu biểu năm 2021 tại Giải thưởng ĐMST và Khởi nghiệp TP.HCM 2021 (I-Star 2021), Công ty AFTI Global, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (cung ứng nông sản sạch và thiết bị điều khiển tự động trong nông nghiệp) được vinh danh nhờ phát triển các ứng dụng điều khiển, cho phép tự động hóa quá trình sản xuất trong nông nghiệp, tạo ra nông sản sạch, chất lượng và giá cả hợp lý, hỗ trợ thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị nông sản, góp phần phát triển ngành nông nghiệp tiên tiến, giải quyết bài toán BĐKH.
Quy trình sữa chua đông khô Yobite xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021” (Nguồn:VOH Online)
Thành phố cũng có nhiều chương trình thiết kế riêng cho cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, sự kiện thường niên do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp NNCNC (Ban Quản lý Khu NNCNC) phối hợp với Sở KH&CN tổ chức, nhằm tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo, các dự án mang tính đổi mới trong lĩnh vực NNCNC. Trong năm 2021, Cuộc thi đã thu hút hơn 80 dự án tham gia. Trong đó, 10 dự án với các mô hình, giải pháp hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh đã tranh tài tại vòng Chung kết (tháng 12/2021), với chung cuộc giải Nhất thuộc về Quy trình sản xuất sữa chua đông khô (YoBite) nhờ các ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm sữa chua dinh dưỡng dạng xốp, chất lượng cho cộng đồng; giải quyết đầu ra thặng dư, giảm áp lực cho người chăn nuôi (bò sữa, dê sữa) và mang lại lựa chọn mới cho người tiêu dùng vốn đã và đang phải sử dụng các sản phẩm tương tự của nước ngoài với mức giá cao hơn nhiều,…. Không chỉ vậy, các dự án đạt giải của Cuộc thi còn được ưu tiên xem xét, lựa chọn tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp NNCNC và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST của Sở KH&CN TP.HCM, với số tiền hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.
Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ĐMST nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, Sở KH&CN TP.HCM có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Huấn luyện về khởi nghiệp ĐMST (Inspire) và Tổ chức các sự kiện kết nối, truyền thông hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST (Connect) (có thể được Thành phố hỗ trợ đến 30% tổng kinh phí thực hiện, tối đa 200 triệu đồng); Nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo, phòng thí nghiệm mở (Upgrade) (tối đa 80 triệu đồng); Ươm tạo các dự án khởi nghiệp ĐMST (Incubate) (lên đến 50% tổng kinh phí thực hiện, tối đa 500 triệu đồng); Ươm tạo, phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp ĐMST (Speedup) (tối đa 2 tỷ đồng,…). |
Để đẩy mạnh việc kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ với doanh nghiệp sản xuất, giải quyết các bài toán công nghệ trong thực tiễn hoạt động sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động ĐMST, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) cũng vừa tổ chức sự kiện “Kết nối ý tưởng” theo chủ đề “Giải pháp IoT trong nông nghiệp thông minh – giám sát và quản lý nhà màng”. Từ kết nối của CESTI, nhiều giải pháp công nghệ tự động, ứng dụng công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) phục vụ giám sát nhà màng trồng dưa lưới, lưu trữ dữ liệu trên đám mây, truy xuất nguồn gốc,... nhằm hạn chế phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, khí hậu tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp của các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ đã được giới thiệu đến doanh nghiệp có nhu cầu.
Để kiến tạo và khai thác tốt yếu tố công nghệ, thúc đẩy ĐMST trong sản xuất nông nghiệp, nguồn nhân lực là vấn đề trọng yếu cần quan tâm. Thành phố đã có nhiều chính sách thu hút, đào tạo người lao động làm việc trong lĩnh vực NNCNC. Bên cạnh việc cử cán bộ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ (ví dụ như chương trình đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ngành công nghệ sinh học giai đoạn 2016-2020, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu), Thành phố đã phối hợp với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp ở các nước để tăng cường công tác đào tạo, tập huấn; tổ chức các hoạt động tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và chuyển giao các mô hình NNCNC. Ngày 25/03/2021, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB), Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp NNCNC (AHBI) và Trung tâm kinh tế sáng tạo tỉnh Jeonbuk – Hàn Quốc (JB-CCEI) đã kí ghi nhớ hợp tác ba bên, tạo điều kiện để chia sẻ nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam và Hàn Quốc, mở ra cánh cửa mới cho các sản phẩm nông nghiệp, cũng như cơ hội trong việc phát triển và chuyển giao các giải pháp công nghệ cao.
Có thể nói, những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và thích ứng với BĐKH. Tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp, nâng cao khả năng thích ứng với tình hình BĐKH là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và đang được vận dụng sáng tạo trong thực tiễn để thay đổi bức tranh nông nghiệp, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại mới.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-3273-QD-UBND-2021-Ke-hoach-hanh-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-Ho-Chi-Minh-494283.aspx
[2] Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) ở Việt Nam. https://cgspace.cgiar.org/bitstream/handle/10568/96227/CSA_Viet_Version.pdf?sequence=5&isAllowed=y
[3] Nguyễn Nhâm. Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/nong-nghiep-cong-nghe-cao-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-593978.html
[4] TECHFEST – WHISE 2021| Vòng Chung kết cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2021”. https://techfest-whise.ueh.edu.vn/blog/techfest-whise-2021-vong-chung-ket-cuoc-thi-doi-moi-sang-tao-trong-san-xuat-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-2021/
[5] Mã số N1089: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào tự động hóa sản xuất trong nông nghiệp. https://doimoisangtao.vn/giai-thuong-dmst/2021/8/3/ma-so-n1089-ung-dung-nong-nghiep-cong-nghe-cao-vao-tu-dong-hoa-san-xuat