Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng số vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy, đạt hơn 1,35 tỷ USD. Trong đó, TP.HCM là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ đầu tư mạo hiểm, chiếm đến 60% số vốn và gần 70% số thương vụ của cả nước.

 

TP.HCM – Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quan trọng trong cả nước

Theo nhiều chuyên gia, tuy là khủng hoảng y tế, nhưng Covid-19 lại tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế: ảnh hưởng của Covid-19 còn lớn hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng là một phép thử “khả năng sinh tồn” của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST).

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 60 nghìn doanh nghiệp tạm thời ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020), nhưng số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký lớn vẫn tăng mạnh (số doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 10-20 tỷ đồng tăng gần 25%, 20-50 tỷ đồng tăng gần 17%, 50-100 tỷ đồng tăng hơn 36%, và trên 100 tỷ đồng tăng gần 53%). Công bố của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) đã xác định, năm 2021, vốn đầu tư vào startups tại Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,35 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Trong đại dịch Covid-19, thị trường huy động vốn đầu tư và hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang phát triển không ngừng (Nguồn: techfest.vn)

Có thể nói, trong năm 2021 đã có nhiều chủ trương, chính sách cấp quốc gia và tại các địa phương để kiến tạo môi trường thuận lợi, giúp các doanh nghiệp KNĐMST và nhà đầu tư hợp lực đã được triển khai trên cả nước, góp phần thổi làn gió mới vào bức tranh KNĐMST, tạo nên những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025”, trong đó, bổ sung mục tiêu: xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo phải cạnh tranh được với khu vực và quốc tế. Phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM và các Trung tâm KNĐMST tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về KNĐMST.

Với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ về tài chính, mà còn hỗ trợ về chuyên gia tư vấn, kiến thức thị trường, phương án kinh doanh để thúc đẩy nhiều ý tưởng sáng tạo, phát triển thương mại hóa kết quả nghiên cứu,... Qua đó, giúp ươm tạo tài năng KNĐMST, kiến tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái KNĐMST tại Thành phố hoạt động tích cực, có sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội, tạo tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái KNĐMST quốc gia, kết nối hiệu quả với các hệ sinh thái KNĐMST khác trong khu vực và thế giới.

Thông tin từ Sở KH&CN TP.HCM tại Hội nghị về vai trò của startup trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế (trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2021) cho biết, đến hết tháng 11/2021, có 37 thương vụ đầu tư mạo hiểm thành công của startup tại TP.HCM, số vốn gọi được hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước. Số vốn gọi được vòng seed của startup Việt trước đây thường chỉ dưới 500.000 USD, thì riêng trong năm nay, một số startup đã nâng lên được 1-2 triệu USD, tương đương vòng seed của một số nước châu Mỹ.

Các vòng gọi vốn của startup

Pre-seed Funding (Vòng tiền hạt giống): Là giai đoạn tự gây quỹ, được coi là bước khởi động cho các vòng gọi vốn của startup.

Seed Round (Vòng hạt giống): Là giai đoạn cần thu hút thêm các nhà đầu tư bên ngoài. Số tiền huy động được ở vòng này được sử dụng để nghiên cứu thêm về nhu cầu của thị trường, sở thích và thị hiếu của khách hàng, sau đó xây dựng sản phẩm hoặc dịch vụ cho phù hợp.

Series A: Đây là lúc mô hình kinh doanh của startup đã được chứng minh, xây dựng được dữ liệu khách hàng và tạo ra doanh thu. Số vốn đầu tư có được sẽ chủ yếu sử dụng để tiếp thị và nâng cao uy tín thương hiệu, khai thác các thị trường mới và giúp doanh nghiệp phát triển.

Series B: Tại thời điểm này, startup đã phát triển, có cơ sở khách hàng lớn và đang tìm kiếm sự tham gia ở cấp độ các quỹ đầu tư lớn. Mục đích của vòng gọi vốn này là để phát triển quy mô doanh nghiệp bằng cách mở rộng đội ngũ, cải thiện cơ sở hạ tầng, và thâm nhập vào các thị trường mới

Thời gian qua, Thành phố đã phát triển hệ sinh thái KNĐMST chung, trong giai đoạn tiếp theo, Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái KNĐMST của các ngành, lĩnh vực trọng điểm để tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát triển các hệ sinh thái trực tuyến, hệ sinh thái mở nhằm thu hút thêm nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Một số cơ chế, chính sách và hợp tác mới vừa được Thành phố triển khai, ứng dụng vào thực tiễn gồm:

• Kế hoạch triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST TP.HCM giai đoạn 2021-2025 (ban hành ngày 25/11/2021). Trong 8 nhiệm vụ triển khai đề án, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST phát triển sản phẩm và thị trường có các dự án thành phần là: Ươm tạo các ý tưởng KNĐMST hỗ trợ phục hồi kinh tế cho thành phố; Phát triển tăng tốc các dự án KNĐMST, và Hình thành không gian hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm KNĐMST. Ngành KH&CN Thành phố cũng đã tham mưu để UBND Thành phố có cơ chế sandbox chính sách, giúp giải pháp mới được đưa ra ứng dụng nhanh hơn.

• Thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN và UBND thành phố Thủ Đức (ngày 9/12/2021) nhằm phối hợp xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển cộng đồng công nghệ số, cộng đồng KNĐMST, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao.

• Thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN và Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures (ký ngày 13/12/2021) nhằm: hỗ trợ phát triển startups tiềm năng dựa trên nguồn lực hiện có của các bên; kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp có năng lực; phối hợp tổ chức hoạt động và sự kiện về KNĐMST nhằm phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại TP.HCM.

 

Kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo góp phần phòng chống Covid-19

Năm 2021 là cao điểm của làn sóng dịch Covid-19 đợt 4, với nhiều đợt giãn cách xã hội, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái KNĐMST của TP.HCM: gần như mọi hoạt động đều phải chuyển sang hình thức online. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như vậy, tinh thần KNĐMST tại Thành phố không hề suy giảm, mà đã có nhiều thích ứng linh hoạt, đóng góp hữu hiệu vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của Thành phố. Nhiều giải pháp công nghệ mới đã được tạo ra và khai thác hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, cũng như áp dụng tốt trong thực tiễn đời sống.

Một dấu ấn nổi bật trong những hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST của Thành phố năm qua là chương trình “Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch Covid-19 tại TP.HCM năm 2021” (HIS – COVID 2021). Đây được xem như “Quỹ vaccine về giải pháp đổi mới sáng tạo”, giúp Thành phố nâng cao “kháng thể” đối phó với đại dịch. Thông qua Chương trình, Thành phố đã tạo nên một “sân chơi” tập hợp các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp KNĐMST tham gia vào hoạt động chống dịch của TP.HCM, từ đó chuyển giao sáng kiến không chỉ cho cộng đồng tại TP. HCM mà còn cho các tỉnh thành khác trên cả nước.

Được triển khai từ tháng 7/2021, Chương trình đã thu hút gần 100 giải pháp sáng tạo thuộc các lĩnh vực khoa học vật liệu, y tế và công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và cơ khí tự động hóa,… với nhiều dự án nổi bật, nhiều giải pháp đã được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế chống dịch ở các địa phương như: "WeShare - Góp gió tạo bão, chiến thắng đại dịch" của WeShare; giải pháp giúp các cơ quan quản lý F0, F1 cách ly tại nhà CyHome; giải pháp "Bản đồ Covidmaps" giúp người dân tiếp cận nhanh với thông tin về tình hình dịch bệnh của Phenikaa MaaS; giải pháp “COVIChat”, cổng giao tiếp tương tác trí tuệ nhân tạo nhằm tiếp nhận và hỗ trợ thông tin liên quan đến Covid-19 của NamiQ AI,...

Ra đời ngay thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất, WeShare.asia đã tạo ra một quỹ cộng đồng lớn từ các đơn hàng trực tuyến. Điểm khác biệt trong dự án WeShare so với các hình thức quyên góp thông thường chính là ở cách thức quyên góp. Cụ thể, với mỗi đơn hàng tại Shopee, Lazada, Tiki, người dùng sẽ được hoàn số tiền lên đến 30% giá trị đơn hàng, và có thể sử dụng số tiền này để quyên góp cho các tổ chức thiện nguyện mà WeShare làm đối tác, thông qua mô hình Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết). Dự án WeShare đã giành vị trí cao nhất trong top 10 HIS – COVID 2021, và được vinh danh trong top 100 Dự án xuất sắc nhất Startup Wheel 2021.

HIS-COVID 2021 được Sở Khoa học & Công nghệ TP. HCM khởi xướng và tổ chức, triển khai thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) – là đơn vị uy tín hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước với nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu với mong muốn trở thành nơi giao thoa và chuyển giao mọi kinh nghiệm, kiến thức và nguồn lực hữu ích từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài phạm quy quốc gia để tạo nền tảng bền vững cho quá trình khởi nghiệp của Startup Việt Nam.
HIS-COVID 2021 nhận được sự phối hợp và tham gia của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ TP.HCM - Saigon Innovation Hub; Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ - Trường Đại học Bách Khoa; Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao; Zone Startups Vietnam; Công ty cổ phần quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM); Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo Victory; Viện Đổi mới sáng tạo – Đại học Kinh tế TPHCM; Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI); Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung.

"Bản đồ Covidmaps" (đã được triển khai tại 18 tỉnh thành) là bản đồ số hỗ trợ phòng chống Covid-19. Covidmaps cho phép hiển thị đầy đủ thông tin dịch tễ, người dùng có thể tìm kiếm thông tin về địa điểm cách ly tập trung, số lượng người cách ly,... Với những nơi bệnh nhân từng đến, bản đồ sẽ cho biết số hiệu bệnh nhân và khoảng thời gian người đó đã đến. Điểm nổi bật của Covidmaps là sở hữu nền tảng lõi về bản đồ, kết hợp với các nền tảng công nghệ cao như AI, IoT…, tạo nên một giải pháp toàn diện, có thể hoàn toàn chủ động thay đổi phù hợp cho từng tỉnh/thành và giúp tiết kiệm kinh phí.

CyHome - giải pháp đến từ Công ty CYFEER giúp các cơ quan quản lý F0, F1 cách ly tại nhà, mang lại sự tiện lợi cho người dùng khi dễ dàng nhập các dữ liệu sinh tồn giúp các đơn vị phân tích, sắp xếp lịch lấy mẫu nhanh chóng hơn. Giải pháp CyHome được cung cấp dưới dạng SaaS - phần mềm cho thuê trên nền web-based, có thể sử dụng ngay mà không cần cài đặt. Về lâu dài, CyHome được nhận định sẽ cung cấp nền tảng giúp xây dựng đô thị thông minh, tăng tương tác giữa người dân và chính quyền,...

Trong khi đó, NamiQ AI – một startup AI đã thu thập, số hóa dữ liệu để tích hợp vào nền tảng nhằm mang ứng dụng COVIChat kết nối người dân với các dịch vụ hỗ trợ COVID (dịch vụ khẩn cấp, thiết yếu, đội phản ứng nhanh, nhân viên y tế). Nền tảng ứng dụng AI cung cấp thông tin COVID, cho phép lọc, tra cứu và trả lời thông minh cho người dân. COVIChat hoạt động 24/7, đảm bảo cung cấp thông tin liên lạc đến các dịch vụ thiết yếu thời COVID (hỗ trợ phản ứng nhanh, các hướng dẫn hữu ích) và khẩn cấp (xe cứu thương, Túi thuốc F0, ATM Oxy, bác sỹ tình nguyện) gần nhất đến người dân.

Nền tảng ứng dụng AI cho phép lọc, tra cứu và trả lời thông minh qua đó tối ưu hoá việc điều phối nguồn lực hỗ trợ (nguồn: www.namiq.ai)

Giúp kết nối người dân với các dịch vụ hỗ trợ (dịch vụ khẩn cấp, thiết yếu, đội phản ứng nhanh, nhân viên y tế) là ứng dụng COVIChat của NamiQ AI – một startup ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thu thập, số hóa dữ liệu và tích hợp vào nền tảng cung cấp thông tin. COVIChat (hoạt động 24/7) cho phép lọc, tra cứu và trả lời thông minh, cung cấp thông tin liên lạc đến các dịch vụ thiết yếu (hỗ trợ phản ứng nhanh, các hướng dẫn hữu ích) và khẩn cấp (xe cứu thương, túi thuốc F0, ATM ôxy, bác sỹ tình nguyện) đến người dân có nhu cầu.

Với bộ kit cho phép chẩn đoán sớm CRE (một loại vi khuẩn đường ruột kháng kháng sinh carbapenem) hỗ trợ các bác sĩ điều trị kịp thời và giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19, sinh phẩm và quy trình công nghệ sàng lọc và kiểm soát CRE của một startup – Công ty TNHH Sắc Mộc Tinh – đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước, như: Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP.HCM, Đa khoa Đà Nẵng, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Trung ương Quân đội 108,... Đây cũng chính là một trong bốn công nghệ của Việt Nam được Ban tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mời tham gia báo cáo tại sự kiện ASEAN Next 2021 do Bộ KH&CN Philippines tổ chức (ngày 5/10/2021).

Bên cạnh vai trò kết nối, tập hợp, triển khai thí điểm các giải pháp đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tại HIS-COVID 2021, TP.HCM sẽ chuyển giao các sáng kiến không chỉ cho cộng đồng tại Thành phố, mà còn cho các tỉnh thành trên cả nước. Các dự án tại chương trình được đánh giá cao bởi chất lượng và hiệu quả thiết thực, hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Từ những thành công đạt được, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề nhất, cùng những lợi thế của một trung tâm kinh tế, văn hoá và khoa học lớn của cả nước, hệ sinh thái KNĐMST tại TP.HCM được nhiều nhà đầu tư thêm tin tưởng và kỳ vọng vào tiềm năng phát triển. Có thể nói, các chính sách của Thành phố đã phát huy được hiệu quả trong việc kết nối các nguồn lực xã hội, tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng KNĐMST của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là điểm nhấn đặc biệt trong bức tranh chung của hệ sinh thái KNĐMST tại Thành phố, khi thu hút được đông đảo cộng đồng KNĐMST, “không chỉ để thụ hưởng các chính sách của Thành phố, mà còn chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực”, như phát biểu của Lãnh đạo Sở KH&CN tại buổi trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2021 (I-Star 2021), được tổ chức vào ngày 14/12/2021 vừa qua.

Thu Hà

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Khôi Nguyên. Hướng đi nào cho startup Việt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp?. https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/huong-di-nao-cho-startup-viet-trong-boi-canh-dich-covid-19-con-phuc-tap-591682.html
[2] Tạp chí điện tử doanh nhân trẻ. Startup TP.HCM huy động hơn 1,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. https://doanhnhantrevietnam.vn/startup-tphcm-huy-dong-hon-12-ty-usd-trong-11-thang-dau-nam-d12361.html
[3] Ngọc Phượng. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM công bố top 20 giải pháp sáng tạo, công nghệ. https://voh.com.vn/cong-nghe/cong-bo-top-20-giai-phap-sang-tao-cong-nghe-412004.html
[4] Startup wheel .Top 100 startup Việt xuât săc nhất startup wheel 2021. https://startupwheel.vn/vi/top-100-startup-viet-xuat-sac-nhat-startup-wheel-2021/
[5] Lam Vân. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hợp tác với VinaCapital hỗ trợ các startups. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/so-khoa-hoc-va-cong-nghe-tphcm-hop-tac-voi-vinacapital-ho-tro-cac-startups/
[6] Hoàng Kim. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đồng hành cùng Thành phố Thủ Đức trong tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/so-khoa-hoc-va-cong-nghe-tphcm-dong-hanh-cung-thanh-pho-thu-duc-trong-tang-cuong-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-8511bf79-5ec1-4460-bcc5-0a3329386be0

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập