Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Việc khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) từ các viện nghiên cứu, trường đại học - cái nôi sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ.

 

Nghiên cứu KH&CN được đầu tư tốt hơn, nhưng thương mại hóa vẫn còn khó

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là hoạt động có tính hệ thống, sáng tạo,gia tăng khối lượng tri thức, tạo ra những công nghệ mới, ứng dụng mới cho các hoạt động sản xuất và đời sống. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, ngân sách chi cho KH&CN của cả nước trong các năm 2019, 2020 hơn 25.000 tỷ đồng.

TP.HCM, với vai trò đầu tàu khoa học và công nghệ (KH&CN) của cả nước, đã có những đầu tư mạnh mẽ cho các hoạt động nghiên cứu KH&CN và đổi mới sáng tạo. Trong năm 2019 và 2020, tổng chi ngân sách của Thành phố cho hoạt động KH&CN hơn 4.922 tỷ đồng. Tính riêng năm 2020, thành phố đã đầu tư 3.049 tỷ đồng cho hoạt động KH&CN, thực chi cho thực hiện nhiệm vụ KH&CN 464 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với năm 2019 (148 tỷ đồng).

Chi ngân sách của TP.HCM cho hoạt động KH&CN các năm 2019-2020. Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê ngành KH&CN TP.HCM năm 2019-2020.

Số lượng đề tài KH&CN được nghiệm thu từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiêp KH&CN trong 2 năm đạt 118 đề tài, phân bố trong nhiều lĩnh vực như cơ khí - tự động hóa; công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, hóa dược, công nghệ thực phẩm, vật liệu mới, quản lý và phát triển đô thị, y tế,… góp phần hỗ trợ phát triển nhiều lĩnh vực trọng điểm của Thành phố. Các nhiệm vụ KH&CN đều hướng đến tạo sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, một số kết quả đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và thương mại hóa thành công, tạo thêm nguồn tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Trong những năm gần đây, cùng với chủ trương của Chính phủ về áp dụng cơ chế tự chủ, hoạt động nghiên cứu ở khu vực nghiên cứu, nhìn chung, đã hướng đến việc tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn những nghiên cứu dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, tiềm ẩn rủi ro khi áp dụng quy mô lớn hoặc triển khai vào sản xuất. Quá trình nghiên cứu hoàn thiện sẽ tốn nhiều thời gian, trong khi doanh nghiệp cần có công nghệ để ứng dụng ngay. Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu đã được cấp bằng sáng chế, nhưng tác giả quá thận trọng trong việc hợp tác, nên cũng chưa sẵn sàng chuyển giao. Ngoài ra, cũng còn những nghiên cứu chưa thực sự đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Theo GS.TS Đàm Sao Mai (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM), các nhà khoa học vẫn còn "bán cái có sẵn, chưa bán cái doanh nghiệp cần". Mặt khác, một số viện nghiên cứu, trường đại học thiếu các bộ phận chuyên trách hoặc chưa chủ động thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Rào cản cũng xuất hiện ở khu vực ứng dụng, khi trên 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện đổi mới công nghệ. Vấn đề bảo mật kinh doanh cũng là một nội dung khiến nhiều doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng vào các đối tác nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm; chưa thật sự “cởi mở” với các nhà nghiên cứu để đặt hàng giải pháp hỗ trợ, cải tiến, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chưa tính đến việc khu vực doanh nghiệp còn chưa thực sự tiếp cận tốt đến nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng, chuyển giao công nghệ của Nhà nước.

 

Thúc đẩy khai thác, phát triển TSTT từ kết quả nghiên cứu

Ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ tầm quan trọng của việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu, tạo môi trường thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu để tạo ra TSTT và khai thác TSTT.

Để thúc đẩy khai thác, phát triển TSTT từ kết quả nghiên cứu, đã có nhiều giải pháp được đề xuất và vận dụng trong thực tiễn.

Thúc đẩy khu vực nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm có giá trị

Chia sẻ tại hội thảo “Thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học, bài học từ các nước, hiện trạng và đề xuất mô hình thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học” ngày 20/7/2020 tại TP.HCM, theo ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - SIHUB), các viện nghiên cứu, trường đại học cần xác định rõ nguồn thu từ nghiên cứu trong mục tiêu hoạt động; xây dựng văn hóa sáng tạo và kinh doanh KH&CN tại đơn vị. Cần đưa kiến thức về sáng tạo, khởi nghiệp, kinh doanh cũng như kỹ năng quản trị về thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào các viện nghiên cứu, trường đại học, thiết kế các mô hình phù hợp cho chuyển giao, tăng cường hợp tác quốc tế. Gần đây, trong Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại Trường đại học, Viện nghiên cứu”, tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest Việt Nam) năm 2021, PGS.TS. Bùi Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức) cho rằng, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác TSTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cần tăng cường kinh phí đầu tư cho KH&CN (đặc biệt là nghiên cứu cơ bản), tăng cường các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, liên ngành để tạo ra các TSTT có giá trị cao, các sản phẩm có thể thương mại hóa. Nên giao quyền cho viện nghiên cứu, các trường đại học quyết định việc khai thác, sử dụng các sản phẩm, đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách Nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư nghiên cứu và phát triển xã hội.

Tăng cường liên kết doanh nghiệp - viện, trường để thương mại hóa các TSTT

Một khi khu vực nghiên cứu, sáng tạo đã có những TSTT giá trị, việc thương mại hóa, chuyển giao công nghệ giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, trực tiếp hoặc thông qua hoặc liên kết 3 nhà (nhà nước – nhà khoa học - nhà doanh nghiệp), là hoàn toàn khả thi. Giải pháp này đã được Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM áp dụng từ nhiều năm nay, qua các mô hình hoạt động như “Hợp tác công nghệ”;“ Kết nối ý tưởng”; “Techmart chuyên ngành”,…Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM đã kết nối các nhà nghiên cứu ở nhiều viện, trường tại TP.HCM (Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Công nghệ Sinh học,…) với các doanh nghiệp để đưa các TSTT, các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh. Với sự hỗ trợ của Nhà nước trong vai trò “bà đỡ”, các bên cung-cầu công nghệ đã gia tăng được sự quan tâm, tin cậy lẫn nhau, mở ra các quan hệ hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa các bên, cho phép khai thác tốt hơn các TSTT đã được tạo ra.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên tại sự kiện “Hợp tác công nghệ”, năm 2020.

Tính đến thời điểm hiện tại, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM đã kết nối được hơn 700 yêu cầu công nghệ. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng gần 30 yêu cầu công nghệ cũng đã được kết nối, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các công nghệ mới từ kết quả nghiên cứu, nâng cao năng lực sản xuất, cũng như tạo thêm động lực sáng tạo công nghệ mới từ khu vực nghiên cứu

Phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp từ các TSTT được viện nghiên cứu, trường đại học sáng tạo

Khá nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đã triển khai áp dụng mô hình này trong thực tế, ví dụ như Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích mẫu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa (thuộc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Thiết bị công nghiệp, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) hoạt động chính trên lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng,.... hay Công ty Công nghệ Nông Lâm (thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) với các chế phẩm sinh học phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, giúp gia tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành trong sản xuất.

Phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp từ các TSTT sẽ giúp thương mại hóa trực tiếp TSTT của viện nghiên cứu, trường đại học ra thị trường. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, các doanh nghiệp khởi nghiệp từ TSTT phải tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, xác định đối tượng khách hàng, từ đó nghiên cứu, cải tiến sản phẩm có chất lượng cao hơn, hoặc tạo ra các sản phẩm mới, các đối thủ cạnh tranh chưa có. Doanh nghiệp khởi nghiệp từ TSTT cũng phải xây dựng được đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp, có chiến lược phát triển TSTT cụ thể, đưa TSTT bao phủ thị trường và hợp tác với các doanh nghiệp phân phối cho TSTT của mình. Có như vậy, TSTT từ viện nghiên cứu, trường đại học mới có thể thương mại hóa hiệu quả, đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp.

Có thể thấy, để tạo ra một sản phẩm TSTT có thể thương mại hóa được là cả một quá trình tích lũy, phát triển và tối ưu hóa tri thức. Bằng nhận diện được nhu cầu thị trường và chọn ra được mô hình kinh doanh phù hợp, việc khai thác tốt TSTT từ các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm thực tế, phục vụ hiệu quả cho xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Mặt khác, nguồn thu tốt từ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu sẽ giúp cho các đơn vị nghiên cứu có điều kiện tái đầu tư tốt hơn, tăng thêm khả năng tự chủ cho các hoạt động KH&CN của mình.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Hương Mi. Thúc đẩy tài sản trí tuệ tại các trường đại học: Cơ hội thương mại hóa sáng tạo. https://sohuutritue.net.vn/thuc-day-tai-san-tri-tue-tai-cac-truong-dai-hoc-co-hoi-thuong-mai-hoa-sang-tao-d120393.html
[2] Phòng Pháp chế và Chính sách.Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam. https://www.ipvietnam.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/chien-luoc-so-huu-tri-tue-en-nam-2030-phat-trien-toan-dien-hieu-qua-he-thong-so-huu-tri-tue-viet-nam
[3] Bích Liên.Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ. https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/thuc-day-doi-moi-sang-tao-va-khai-thac-tai-san-tri-tue-598791.html
[4] Bích Liên.Đăng ký sáng chế của các trường, viện nghiên cứu có xu hướng tăng. https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/dang-ky-sang-che-cua-cac-truong-vien-nghien-cuu-co-xu-huong-tang-598794.html
[5] Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/08/01-Sach-trang-DNVN-2021-phan-tich.pdf
[6] Tiến Lực. Kết nối đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường. https://dantocmiennui.vn/ket-noi-dua-ket-qua-nghien-cuu-tu-phong-thi-nghiem-ra-thi-truong/290692.html

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập