Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 18/5/2016 (gọi tắt là Đề án 844) đã đánh dấu các động thái cụ thể của Chính phủ nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam. Mục tiêu của Đề án 844 nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) và thiết lập được Cổng thông tin KNĐMST quốc gia.
Sau 5 năm triển khai Đề án 844, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp KNĐMST Việt Nam ngày càng tăng cao. Hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ và đầu tư cho KNĐMST cũng có nhiều bước tiến đáng kể. Hành lang pháp lý đang dần được hình thành và hoàn thiện, giúp hệ sinh thái KNĐMST tại Việt Nam đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của cả cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Các liên kết, hợp tác, tìm kiếm đầu tư liên tục được tăng cường triển khai trong suốt thời gian qua. Các thương vụ đầu tư trị giá hàng chục triệu USD đã và đang là những điểm sáng lớn, nâng cao vị thế của thị trường đầu tư KNĐMST tại Việt Nam. Số lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng trong cả khu vực tư nhân và khu vực công lập, hoạt động tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp để hỗ trợ, đầu tư. Bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài, đã có những quỹ đầu tư thành lập trong nước và một số tập đoàn lớn tham gia đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam. Cùng với sự bùng nổ của cơ sở vật chất dành cho KNĐMST, nhất là các khu làm việc chung (co-working space), nhân lực hỗ trợ KNĐMST ở Việt Nam đã bước đầu hình thành, hoạt động và có sự liên kết cao của các mentor, cố vấn khởi nghiệp chuyên nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cũng gia tăng các hoạt động hỗ trợ, kết nối; đổi mới phương thức hỗ trợ, kết nối, ví dụ như Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và vận hành, Tuần lễ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (WHISE) và Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) do UBND TP.HCM tổ chức,...
Nói đến TP.HCM, nơi chiếm hơn 50% startup của cả nước, nhiều chủ trương, chính sách nhằm hoàn thiện hệ sinh thái KNĐMST đã được triển khai mạnh mẽ: hỗ trợ ươm tạo các dự án KNĐMST (Incubate); hỗ trợ tổ chức các sự kiện kết nối, truyền thông hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái KNĐMST (Connect); hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án KNĐMST (Speedup); hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp (RD&I); hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo (BCBuild); hỗ trợ huấn luyện về KNĐMST (Inspire); hỗ trợ giới thiệu, kết nối cung-cầu, mua-bán công nghệ (Techmart),... Bên cạnh những chương trình hỗ trợ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp như trên, Thành phố cũng đã tiến hành khởi công xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (triển khai từ tháng 7/2019, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 17.000m2, tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng) tại khu vực Quận 3 - trung tâm Thành phố. Gần đây, trong đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 672/QĐ-UBND, ban hành ngày 01/3/2021), với các chỉ tiêu chính cần đạt đến cuối năm 2025 (gồm: hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3.000 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 1.000 dự án KNĐMST; hỗ trợ phát triển 100 doanh nghiệp KNĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiếm), Thành phố đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ cần đẩy mạnh là: phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế KNĐMST; truyền thông KNĐMST.
Có thể thấy, với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, cùng những cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ tổng hợp, đa dạng của Thành phố trong ươm tạo tài năng KNĐMST (từ chuyên gia tư vấn, đào tạo nâng cao kiến thức thị trường, phương án kinh doanh cho đến tài chính,…) đã thúc đẩy nhiều ý tưởng sáng tạo, phát triển thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Qua đó, kiến tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái KNĐMST tại Thành phố hoạt động tích cực, có sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội, tạo ra những kết quả cụ thể và ấn tượng (riêng năm 2021 startup tại TP.HCM đã gọi vốn được hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 60% số vốn và gần 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm thành công của startup cả nước). Đây cũng là tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái KNĐMST quốc gia, kết nối hiệu quả với các hệ sinh thái KNĐMST khác trong khu vực và thế giới. Việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của Thành phố, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái KNĐMST sẽ tạo động lực mạnh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu long và cả nước.
BBT