Stent động mạch vành phủ thuốc đầu tiên do Việt Nam sản xuất – Vstent đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ đầu năm 2019 và đạt được hiệu quả trong điều trị. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu để đánh giá ban đầu vẫn còn hạn chế. Một nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn, thời gian theo dõi 12 tháng, đã được thực hiện ở 5 bệnh viện các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã cung cấp dữ liệu khách quan về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm.
Theo thời gian, các động mạch dẫn máu nuôi dưỡng cơ tim (động mạch vành) sẽ hình thành mảng xơ vữa do sự tích tụ của cholesterol và canxi trong lòng mạch. Những mảng xơ vữa này có thể cứng lại và gây tắc mạch, cản trở dòng máu lưu thông, có thể dẫn tới bệnh đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim (Hình 1).
Hình 1.Minh họa mạch máu bình thường và mạch máu bị tắc nghẽn (Nguồn:internet)
Kỹ thuật can thiệp để điều trị cho trường hợp trên là đặt stent mạch vành. Khi mức độ hẹp động mạch vành từ 70% trở lên có kèm theo triệu chứng thiếu máu cơ tim trên lâm sàng hoặc trên các thăm dò gắng sức, bệnh nhân sẽ được đề nghị đặt stent.
Sơ lược về stent mạch vành
Stent là một ống bằng kim loại hoặc nhựa, có vai trò như một giá đỡ, khi đặt vào vị trí hẹp sẽ bung ra, làm thông mạch bị tắc, giúp cho máu lưu thông ổn định bình thường, giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, stent còn giúp ngăn ngừa chứng phình động mạch trong não và mở thông các đường dẫn khác trong cơ thể, chẳng hạn như ống mật, đường dẫn khí trong phổi, đường tiết niệu và động mạch chân.
Hình 2. Stent được đưa vào bằng bóng và ống thông (Nguồn:British Heart Foundation)
Để đưa stent vào mạch máu, người ta dùng một ống thông (catheter), mang theo bong bóng nhỏ cùng một loại dây dẫn đặc biệt để nong động mạch vành. Ống thông được đưa vào mạch máu từ cổ tay hoặc bẹn và sử dụng tia X để hướng dẫn đến vị trí động mạch bị hẹp. Khi stent đã ở đúng vị trí cần thiết, quả bóng sẽ được bơm căng, làm mở stent và ép vào thành động mạch vành (Hình 2). Sau đó, ống thông, bóng và dây được rút ra, để lại stent. Có 3 loại stent phổ biến là: stent trần, stent phủ thuốc và stent tự tiêu:
• Stent kim loại trần (Bare metal stent – BMS): là loại cơ bản nhất, làm bằng thép không gỉ hoặc crôm – côban không có lớp thuốc phủ. Mục đích chính của loại stent này là để mở thông động mạch và không thể tháo ra sau khi đưa vào cơ thể. Loại stent này có tỷ lệ tái hẹp động mạch vành cao sau khi đặt, nên hiện nay ít được sử dụng.
• Stent phủ thuốc (Drug Eluting Stent – DES): được làm từ vật liệu tương tự với BMS nhưng được phủ một lớp thuốc bên ngoài, phần thuốc này dần dần sẽ được giải phóng trong lòng mạch để ngăn sự phát triển mô sẹo gây tắc nghẽn động mạch. Lợi ích bổ sung này khiến DES được sử dụng phổ biến hơn BMS.
• Stent phủ thuốc có khung tự tiêu (Bioresorbable Vascular Scaffold – BVS): được làm từ chất liệu tự tiêu như magie hoặc polymer phi kim loại và cũng được tráng một lớp thuốc để ngăn ngừa nguy cơ động mạch bị thu hẹp lại. BVS sẽ hòa tan trong máu sau khoảng 2 năm và không để lại dấu vết, nhưng vẫn đảm bảo rằng động mạch được mở rộng đủ để ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn tái diễn. Tuy nhiên, stent tự tiêu vẫn đang tiếp tục quá trình nghiên cứu, hoàn thiện do nhiều báo cáo cho thấy có tỷ lệ biến cố sau can thiệp stent tự tiêu, do đó loại stent này chưa được sử dụng rộng rãi và còn hạn chế chỉ định trên một số tổn thương động mạch vành.
Ngoài ra, còn có một số loại stent ít phổ biến hơn, như Stent được tạo ra bằng công nghệ sinh học (thay vì sử dụng thuốc, loại stent này được phủ một lớp kháng thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục tự nhiên của động mạch); Stent trị liệu kép (là loại stent mới nhất, gồm các lợi ích của stent DES, BVS và stent công nghệ sinh học, nó sẽ tự tan trong cơ thể và bên ngoài được phủ thuốc và kháng thể trị liệu).
Làm chủ công nghệ sản xuất stent mạch vành phủ thuốc đầu tiên tại Việt Nam
Đặt stent là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng nhằm ngăn ngừa hiện tượng đột quỵ tim. Tuy nhiên, stent đặt trong mạch máu gần như suốt cuộc đời nên vật liệu tạo nên stent phải tương thích với cơ thể và cần đáp ứng các điều kiện vô trùng, sinh học, hóa học,... Do đó, việc sản xuất stent không đơn giản mà cần sử dụng công nghệ cao, cùng với những điều kiện sản xuất vô cùng nghiêm ngặt.
Theo Báo cáo thị trường stent mạch vành 2020 (Coronary Stents Market Report 2020) của Global Market Insight, quy mô thị trường stent mạch vành đã vượt 6,7 tỷ USD vào năm 2020 và ước tính sẽ tăng trưởng 3,9% từ năm 2021 đến 2027. Trong đó, các nhà sản xuất stent mạch vành tập trung chủ yếu ở các nước khu vực Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu (Hình 3). Để điều trị bệnh hẹp tắc động mạch vành bằng phương pháp đặt stent trong các năm về trước, Việt Nam và nhiều nước trong khu vực thường phải nhập khẩu sản phẩm.
Hình 3. Thị trường stent mạch vành năm 2020 theo khu vực (Nguồn: www.gminsights.com)
Với lượng lớn nhu cầu sử dụng thiết bị stent cho điều trị ở Việt Nam, ước tính mỗi năm, Việt Nam phải chi trả từ 70-80 triệu USD cho việc nhập khẩu. Ngoài ra, trung bình mỗi ca đặt stent có chi phí 70-100 triệu đồng, riêng stent nhập khẩu là 45 triệu đồng. Mặc dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần, nhưng khoản kinh phí người bệnh phải trả vẫn là quá lớn.
Từ những bất cập trên, dự án trọng điểm do Công ty USM Healthcare chủ trì “Nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc bằng công nghệ Nano”, thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã được triển khai từ năm 2013. Sau 6 năm nghiên cứu và làm chủ được công nghệ chuyển giao từ Mỹ, tuân thủ đúng quy trình thử nghiệm của Bộ Y tế, Vstent – Hệ thống Stent mạch vành phủ thuốc Sirolimus “Made in Việt Nam” đầu tiên, do Công ty USM Healthcare sản xuất, đã được thử nghiệm lâm sàng thành công tại nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện E, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế,… và đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 2/2019 (Hình 4). Sau quá trình áp dụng thực tế, Vstent được các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tim mạch tại Việt Nam đánh giá tích cực. Sản phẩm đạt chất lượng tương đương sản phẩm từ châu Âu, châu Mỹ mà giá thành chỉ bằng 60-70% giá nhập khẩu, mở ra cơ hội điều trị bệnh tim cho hàng triệu người trên khắp cả nước.
Hình 4.Vstent do USM Healthcare sản xuất (Nguồn: USM Healthcare)
Hiện Việt Nam là một trong hai quốc gia ở Đông Nam Á đã làm chủ công nghệ sản xuất stent mạch vành phủ thuốc Sirolimus, đạt các tiêu chuẩn về sản xuất trang thiết bị y tế như GMP-WHO, ISO13485 và ISO 9001.
Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của stent mạch vành đầu tiên sản xuất tại Việt Nam
Dữ liệu đánh giá lâm sàng của Vstent ban đầu mới chỉ trên 40 bệnh nhân và theo dõi trong thời gian 6 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Để ngành y tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung có đầy đủ dữ liệu trong đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Vstent, nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình chăm sóc sức khỏe của Thành phố: “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Vstent (sản xuất tại Việt Nam) trong can thiệp động mạch vành: nghiên cứu đa trung tâm, tiến cứu theo dõi 12 tháng” do Trường Đại học Y Dược TP.HCM chủ trì, vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu cuối tháng 12/2021.
Nghiên cứu này được thực hiện trên 150 bệnh nhân tại 5 bệnh viện (Đại học Y Dược TP.HCM, Thống Nhất, Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Đa khoa tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa) trong 12 tháng. Kết quả nghiên cứu sau can thiệp đặt stent mạch vành qua da cho thấy, 100 % thành công về thiết bị, 99,3% về thủ thuật và không có tai biến (Hình 5).
Hình 5. Kết quả nghiên cứu can thiệp đặt stent mạch vành qua da (Nguồn: Sở KH&CN TP.HCM)
Trong 12 tháng theo dõi, tỷ lệ tái hẹp trong stent hoặc trong đoạn bao gồm 5 mm bên ngoài hai đầu của stent tại thời điểm đánh giá ở mức rất thấp (tỷ lệ tái hẹp 3,5%). Nghiên cứu cũng ghi nhận mức độ an toàn cao, với tỷ lệ biến cố tim mạch gộp (Major adverse cardiovascular events – MACE) là 4,7% (7 trường hợp). Trong đó, 0,7% tử vong liên quan tim mạch và 4,0% tái thông lại tổn thương đích đã đặt stent trước đó; không có trường hợp nào bị huyết khối trong stent (Hình 6).
Hình 6. So sánh tỷ lệ biến cố tim mạch gộp (MACE) của VSTENT với một số nghiên cứu lâm sàng tương tự trên thế giới (Nguồn: Sở KH&CN TP.HCM)
Theo kết quả nghiên cứu, 94,6% bệnh nhân không có biến cố tim mạch chính/tổng hợp (MACE) hay tử vong tim mạch. Hiệu quả của Vstent sau can thiệp được thể hiện qua mức độ đau thắt ngực giảm đáng kể, từ 100% trước can thiệp còn 17,3% ngay sau khi can thiệp, không còn tình trạng đau thắt ngực đến thời điểm 12 tháng và 100% bệnh nhân phục hồi sức khỏe trong thời gian nằm viện với tình trạng ổn định, sau đó xuất viện bình thường.
Vstent “Made in Vietnam” không chỉ an toàn về y học, mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, do giá thành rẻ hơn đáng kể so với một số sản phẩm stent nhập ngoại (giá Vstent trung bình ở mức dưới 30 triệu/cái, thấp hơn 30% so với stent nhập ngoại). Do đó, sản phẩm kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân trong nước có cơ hội tiếp cận điều trị. Bên cạnh đó, với việc làm chủ được công nghệ sản xuất trong nước, ngành y tế có thể sử dụng rộng rãi Vstent trong thực hành can thiệp các sang thương động mạch vành cho bệnh nhân hội chứng vành cấp và hội chứng vành mạn, vì tính an toàn và hiệu quả.
Cũng từ báo cáo thị trường của Global Market Insight, phân khúc stent phủ thuốc năm 2020 chiếm hơn 85,4% thị phần stent mạch vành trên toàn thế giới. Do vậy, tiềm năng phát triển của Vstent khá lớn, không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn có thể vươn tầm ra thế giới.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Nair, D. Angioplasty & Stents: What You Need to Know. https://www.mountelizabeth.com.sg/healthplus/article/angioplasty-stents-guide
[2] PV. Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công STENT hỗ trợ điều trị các bệnh tim mạch. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/lan-dau-tien-viet-nam-san-xuat-thanh-cong-stent-ho-tro-dieu-tri-cac-benh-tim-mach-01010074-0000-0000-0000-000000000000
[3] Sở KH&CN TP.HCM. Stent mạch vành phủ thuốc Sirolimus sản xuất tại Việt Nam: An toàn cao, giá hợp lý. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/stent-mach-vanh-phu-thuoc-sirolimus-san-xuat-tai-viet-nam-an-toan-cao-gia-hop-ly-f1b15bec-2f3e-4d13-b802-c19c5d0658cb
[4] ThS.BS. Nguyễn Văn Phong. (Cấu tạo của stent mạch vành. https://www.vinmec.com/vi/tim-mach/thong-tin-suc-khoe/cau-tao-cua-stent-mach-vanh/
[5] Ugalmugle, S. and Swain, R. Coronary stents market report 2020. https://www.gminsights.com/industry-analysis/coronary-stents-market
[6] USM Healthcare. Hệ thống stent mạch vành phủ thuốc Sirolimus - VSTENT. https://usm.com.vn/vn/san-pham/tim-mach-can-thiep/vstent-sirolimus-eluting-coronary-stent-system-1.html