Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam, trong đó, phương tiện giao thông là một nguồn phát thải lớn. Để giảm thiểu tải lượng ô nhiễm, kể từ ngày 01/01/2022, ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5.

Chất lượng không khí tại TP.HCM đang chịu nhiều áp lực từ các phương tiện giao thông (Nguồn: cadn.com.vn)

 

Ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng

Ô nhiễm không khí xảy ra khi có khói bụi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí (chủ yếu là do bụi mịn PM2.5 và PM10) làm thay đổi nhiều về thành phần không khí. Khi người ta hít thở, các hạt PM2.5 và PM10 trong không khí sẽ thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp nơi trên thế giới. Theo Báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu 2020 do Viện Ảnh hưởng Sức khoẻ (HEI - Đại học Washington) và Viện Đo lường và Đánh giá sức khoẻ (Đại học British Columbia) thực hiện, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm (trong đó, khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương), ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Theo tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) trên thế giới, không khí ô nhiễm khi mức độ sạch đạt khoảng 150-200 điểm; từ 201-300 điểm là tình trạng ô nhiễm cực kỳ cấp bách (ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người). Tại một số đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, chỉ số AQI trong ngày trung bình là 122-178 điểm; vào các khung giờ cao điểm, khi xảy ra các vụ ùn tắc giao thông, chỉ số AQI vượt hơn 200 điểm. Trong nhiều đợt ô nhiễm với mức độ cao, bụi mịn PM 2.5 bao phủ cả bầu trời, hạn chế cả tầm nhìn ở những nơi này. Có thể thấy, Việt Nam đang đứng ở ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, tác nhân gây ra trung bình khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm (theo ước tính của WHO).

Tòa nhà Bitexco (Quận 1), chìm trong trong lớp mù ngày 12/11/2021, ngày Airvisual dự báo có nhiều nơi xảy ra ô nhiễm không khí cao (Nguồn: laodong.vn)

Có nhiều nguyên nhân gây nên ô nhiễm không khí, từ tự nhiên đến nhân tạo. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là từ con người, qua các hoạt động hàng ngày, như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và quan trọng nhất là giao thông vận tải.

Theo các số liệu thống kê, năm 2015, toàn quốc có hơn 2,9 triệu xe ô tô và 47,7 triệu xe mô tô, xe máy (riêng tại TP.HCM, đến tháng 7/2020, có hơn 600.000 xe ô tô và khoảng 7,3 triệu xe gắn máy), số lượng khổng lồ các phương tiện giao thông này đã xả trực tiếp vào không khí rất nhiều chất độc hại như carbon monoxide (CO), volatile organic compounds (VOCs), nitro dioxide (NO2), sulfur dioxide (SO2),... ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Khí thải từ các phương tiện giao thông hiện đang là tác nhân chính (chiếm hơn 70%) gây nên ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay.

 

Giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện tham gia giao thông

Để hạn chế ô nhiễm do tác động trực tiếp từ các phương tiện giao thông, ngay từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg, quy định về “lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới”. Trong đó, quy định các loại ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4) từ tháng 2/2017. Đến 01/01/2022, các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải tương ứng mức 5 (Euro 5). Euro 5 là phiên bản thứ 5 được EU chính thức đưa vào tiêu chuẩn khí thải (tháng 9/2009), một trong những tiêu chuẩn khí thải được nhiều quốc gia áp dụng trên thế giới.

Tiêu chuẩn khí thải Euro bao gồm định mức về nồng độ các loại khí sinh ra trong quá trình hoạt động của xe như nitrogen oxide (NOx), hydrocarbons (HC), carbon monoxide (CO) và hạt vật chất (PM), được các nước thành viên EU thông qua và áp dụng. Định mức khí thải này đối với các loại xe là khác nhau (xe tải khác xe con, xe chạy dầu diesel khác xe chạy xăng). Có 6 tiêu chuẩn Euro về khí thải, từ Euro 1 đến Euro 6.

Nguồn: vr.org.vn

So với các tiêu chuẩn khí thải Euro trước đó, Euro 5 thắt chặt các giới hạn về lượng chất thải từ động cơ diesel và yêu cầu công nghệ cao hơn. Nếu như trước đây, xe có động cơ không đạt chuẩn Euro 4 chỉ cần nâng cấp linh kiện, điều chỉnh và xử lý các bộ phận xúc tác, thì đối với Euro 5, tất cả các xe sử dụng động cơ diesel phải có thêm các bộ lọc hạt mới có thể đáp ứng được giới hạn xả thải quy định. Các mẫu xe mới sẽ phải lắp đặt thiết bị cảm biến khí thải (OBD) để kiểm soát mức khí thải. Trong quá trình sử dụng, biến động (tăng, giảm) lượng khí thải sẽ được OBD giám sát và báo cáo cho hệ thống. Ngoài ra, với Euro 5, năng lực thử nghiệm của đơn vị cấp chứng nhận động cơ đạt tiêu chuẩn (độc lập với nhà sản xuất) cũng có yêu cầu cao hơn, trình độ nhân lực tham gia công tác thử nghiệm cũng phải cao.

Bảng 1: Các giới hạn về lượng khí thải của tiêu chuẩn Euro 5

Nguồn: www.vr.org.vn

Tiêu chuẩn Euro 5 hiện đang là mức cao nhất trong lộ trình giới hạn khí thải của các phương tiện giao thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Ngay từ năm 2021, một số hãng xe đã có những thay đổi nhất định để sẵn sàng thích ứng với tiêu chuẩn Euro 5, qua việc chủ động lên kế hoạch đầu tư, nâng cấp các thiết bị và công nghệ cho các mẫu xe mới. Ví dụ, VinFast đã có hai dòng xe được kiểm định khí thải đạt chuẩn. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), để có thể đạt được tiêu chuẩn khí thải mức Euro 5, cần phải có sự đồng bộ giữa động cơ ô tô và nhiên liệu sử dụng. Khi động cơ đáp ứng Euro 5, thì xăng và dầu diesel cũng phải đáp ứng Euro 5 mới đảm bảo được mục tiêu khí thải sạch hơn. Hiện nay, dầu diesel DO 0,001S-V (do Petrolimex phân phối) đạt tiêu chuẩn Euro 5 đã được bán tại hơn 1.100 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc. Riêng xăng tiêu chuẩn Euro 5 dự kiến sẽ có mặt tại một số thành phố lớn từ đầu năm 2022.

Có thể thấy, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới (Euro 5) đối với các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của các phương tiện giao thông đến môi trường, đặc biệt là trong điều kiện mật độ ô tô tham gia giao thông ngày càng tăng tại Việt Nam. Động thái này định hướng cho các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam tăng cường chuyển đổi, sử dụng các công nghệ thân thiện hơn với môi trường; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiên liệu triển khai phương án cung ứng nhiên liệu phù hợp. Ở góc độ người tiêu dùng, khi khai thác, sử dụng ô tô được sản xuất, lắp ráp mới phù hợp với tiêu chuẩn Euro 5, cũng cần lưu ý sử dụng đúng loại nhiên liệu thích hợp, để vừa đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu tác động đến môi trường, vừa bảo vệ tốt cho phương tiện của mình trong quá trình sử dụng, lưu thông.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu 2020. https://moitruong.com.vn/tai-lieu/bao-cao-tinh-trang-khong-khi-toan-cau-2020-22484.htm
[2] P.Q .Tác hại khôn lường từ ô nhiễm không khí đến sức khỏe. https://tuoitre.vn/tac-hai-khon-luong-tu-o-nhiem-khong-khi-den-suc-khoe-20191031145301405.htm
[3] Ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông – (Bài 1): Thực trạng đáng báo động. https://drvn.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/o-nhiem-khong-khi-tu-phuong-tien-giao-thong-bai-1-thuc-trang.html?site=20830
[4] Vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông đô thị gây ra tại Việt Nam. https://drvn.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/van-de-o-nhiem-moi-truong-do-hoat-dong-giao-thong-do-thi-gay.html?site=20830
[5] Chính thức áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 - Euro 5 tại Việt Nam từ ngày 1/1/2022. https://www.mt.gov.vn/tthc/tin-tuc/77484/chinh-thuc-ap-dung-tieu-chuan-khi-thai-muc-5---euro-5-tai-viet-nam-tu-ngay-1-1-2022.aspx

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập