Kinh tế truyền thống thường được vận hành theo mô hình tuyến tính “Tài nguyên thô – Sản xuất – Phân phối tiêu dùng – Sử dụng – Chất thải (tiêu hủy/chôn lấp)”. Kinh tế tuyến tính càng phát triển thì các hoạt động khai thác tài nguyên và tạo ra chất thải sẽ diễn ra càng nhiều, các nguồn tài nguyên càng nhanh cạn kiệt và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Để phát triển, nhưng vẫn đảm bảo khai thác, sử dụng một cách hợp lý các nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nền kinh tế cần phải được vận hành theo phương thức khác với mô hình tuyến tính truyền thống. Theo các chuyên gia, đó phải là “kinh tế tuần hoàn”, mô hình với nguyên lý cơ bản là “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã định nghĩa, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Với Quỹ Ellen MacArthur Foundation, một tổ chức chuyên hoạt động vì sự phát triển KTTH, đó là nền kinh tế được tổ chức theo hướng không có chất thải và chất ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm và vật liệu ở mức giá trị cao nhất của chúng, và tái tạo tự nhiên. KTTH góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải và giảm ô nhiễm môi trường.
Có thể nói, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang KTTH là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia, do các góc độ: (1) Tránh phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô, mà các nguồn này ngày càng cạn kiệt, không thể tái tạo; (2) Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đặc biệt là CO2, làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây hậu quả nghiêm trọng; và (3) Tạo ra các cơ hội về kinh tế, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thiết kế và tái chế. Trong xu thế này, Việt Nam và TP.HCM cũng không ngoại lệ. Ở cấp độ quốc gia, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt cũng khẳng định rõ, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Mặc dù chưa có chương trình, kế hoạch chuyên đề về phát triển KTTH nhưng nhiều nội dung cốt lõi hướng tới sự phát triển KTTH đã được TP.HCM lồng ghép trong các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh, kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh, chủ động hội nhập quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Thành phố đã triển khai thực hiện nhiều nội dung nhằm xây dựng các yếu tố nền tảng, tạo nên hệ sinh thái khuyến khích, thúc đẩy phát triển KTTH, như xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển KH&CN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, coi đây là giải pháp chủ đạo phát triển KTTH.
Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tại Thành phố đã hưởng ứng rất tích cực các động thái thúc đẩy triển khai mô hình KTTH, phát triển bền vững của chính quyền, theo các hướng: sản xuất sạch hơn; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, và đã đạt được một số thành quả ban đầu. Đặc biệt, việc nghiên cứu chế tạo các loại vật liệu thân thiện với môi trường đã có những bước tiến đáng chú ý. Aerogel là một ví dụ. Đây là loại vật liệu được kỳ vọng sẽ mở ra một cuộc cách mạng vật liệu nhờ khả năng cách âm, cách nhiệt, cách điện ưu việt của nó. Qua nghiên cứu của các chuyên gia tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhiều loại vật liệu aerogel có giá trị đã được sản xuất thành công từ những phế phẩm, phụ phẩm của các quá trình sản xuất nông nghiệp và công nghiệp rất phổ biến tại Việt Nam hiện nay (rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, tro bay,…). Công nghệ này đã được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đón nhận, vận dụng vào sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường, vừa góp phần mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa đóng góp hữu hiệu vào các nỗ lực giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường sống.
Có thể thấy, để phát triển KTTH, phát triển bền vững, rất cần sự chung tay, góp sức của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, nguồn nhân lực khoa học có trình độ có vai trò thiết yếu, giúp giải quyết các bài toán về khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế tối đa chất thải trong từng giai đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu,… Đây cũng là một trong những mục tiêu của TP.HCM trong thu hút và trọng dụng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học - công nghệ; tập trung vào những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố nhanh và bền vững.
BBT