Thời gian qua, hàng hóa xuất sang Trung Quốc thường xảy ra hiện tượng ùn ứ tại nhiều cửa khẩu. Việc thông quan rất nhỏ giọt, gây thiệt hại lớn cho các thương gia Việt Nam, đặc biệt là nhóm ngành hàng nông sản, do đặc tính mau hư hỏng sau thu hoạch.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã tác động lớn và nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trong nước. Nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, thời gian đầu, chính quyền đã có những giải pháp mạnh (hạn chế giao thương, khoanh vùng, cách ly tập trung, giãn cách xã hội,…), chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đảm bảo an toàn cho đời sống, sức khỏe của người dân. Các tháng cuối năm 2021, khi dịch bệnh đã ít nhiều được khống chế, việc thông thương đã thuận lợi hơn. Lưu thông hàng hóa đã dần phục hồi trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, ở khía cạnh xuất khẩu hàng hóa, tác động tiêu cực của Covid-19 vẫn còn dai dẳng, nhất là với Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ đứng sau Hoa Kỳ), với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 56 tỉ USD (tăng 14,5% so với năm 2020) – vốn đang áp dụng chế độ “Zero Covid”.
Tắc nghẽn nông sản ở cửa khẩu phía Bắc
Ông Nguyễn Văn Toản (Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản) cho biết, Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách "Zero Covid" và càng thắt chặt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, trên cả bao bì hàng nông sản, do vậy, việc thông quan hàng hóa khá lâu. Ngoài ra, lượng phương tiện vận tải hàng hóa (chủ yếu là nông sản từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Tiền Giang và Bình Định) được đưa lên cửa khẩu ngày càng nhiều, vượt quá năng lực thông quan, càng gây nên ùn tắc tại nhiều khu vực cửa khẩu với Trung Quốc như Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh). Nhiều xe hàng nông sản xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ nghiêm trọng tại các khu vực này từ trước Tết Nguyên đán 2022.
Thời gian thông quan kéo dài từ 20-30 ngày khiến cho một số hàng hóa nông, lâm, thủy sản bị hỏng, không còn khả năng tiêu thụ. Thiệt hại về hàng hóa, theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lên đến 2.000 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp, chủ hàng không đợi được thông quan đã phải quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa.
Ùn ứ xe chở hàng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Nguồn: nld.com.vn)
Tắc nghẽn nông sản ở cửa khẩu phía Bắc
Tại cuộc họp của Chính phủ với các Bộ, Ngành vào cuối năm 2021 để xử lý tình trạng ùn tắc nông sản hàng hóa kéo dài, theo ông Trần Quốc Khánh (Thứ trưởng Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tích cực đẩy nhanh hơn tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tăng thêm số loại trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh đàm phán các Nghị định thư cần thiết với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh và các bộ, ngành liên quan phối hợp, xác định các phương án tạo luồng/vùng xanh khu vực biên giới; đề xuất tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình bảo đảm phòng, chống Covid-19 để xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu nên chuyển đổi phương thức xuất hàng sang Trung Quốc, từ tiểu ngạch sang chính ngạch và linh động trong việc khai thác, sử dụng các phương thức vận tải ngoài đường bộ, như đường sắt, đường biển.Được biết, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Cẩm nang xuất khẩu chính ngạch để hỗ trợ thương nhân chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.
Xuất khẩu chính ngạch là những giao dịch có hợp đồng và có các chứng từ thương mại (hóa đơn, vận đơn, kiểm dịch, C/O,…); khối lượng hàng hóa lớn, giá trị cao; thanh toán qua ngân hàng; giao hàng qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Xuất khẩu tiểu ngạch là những giao dịch không có hợp đồng hoặc không đầy đủ các chứng từ thương mại; khối lượng hàng hóa ít, giá trị thấp; thanh toán tiền mặt, hàng đổi hàng; giao hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương |
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến nông sản và trái cây tươi xuất khẩu cần tăng cường thiết lập mối quan hệ khách hàng lâu dài với các đối tác bên kia biên giới để ổn định các hoạt động giao thương, tránh tình trạng xuất khẩu bấp bênh; nên có sự liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp lớn đủ sức đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Các đơn vị này cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới để chủ động điều chỉnh tiến độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu, nhất là trong những dịp Trung Quốc nghỉ lễ, Tết cổ truyền.
Ngoài ra, để không lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu nông sản nào, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần nâng cao vị thế chất lượng nông sản Việt để hướng tới các thị trường tiêu thụ có tiêu chuẩn khắt khe hơn, thông qua việc áp dụng các quy trình, giải pháp công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, ví dụ như: áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP để đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong các giai đoạn tạo ra sản phẩm để minh bạch, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất chế biến; áp dụng các công nghệ tiên tiến cho phép kéo dài thời gian bảo quản nông sản (ví dụ như công nghệ lạnh đông CAS giúp sản phẩm giữ được hương vị và độ tươi ngon mà không tổn thất dinh dưỡng; công nghệ chiếu xạ giúp tiêu diệt vi sinh vật, ký sinh trùng và côn trùng để kéo dài thời hạn bảo quản thực phẩm, giảm nguy cơ tổn thất; công nghệ sử dụng chitosan để gia tăng thời gian bảo quản trái cây sau thu hoạch,...).
Có thể thấy, để giảm thiểu thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam do tình trạng ùn tắc hàng hóa ở các cửa khẩu với Trung Quốc gây ra, cần có những hành động kịp thời và liên tục từ các cấp chính quyền để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý; cũng như sự phối hợp, tham gia đồng bộ của các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản xuất khẩu trong việc lựa chọn lượng hàng, loại hàng và thời gian thích hợp để đưa vào giao thương. Cùng với các nỗ lực này, việc khai thác, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và bảo quản nông sản cũng sẽ tạo điều kiện cho nông sản Việt có cơ hội đi xa hơn, đóng góp thiết thực cho công cuộc tái thiết nền kinh tế cả nước.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] "Tắc" hàng hoá ở cửa khẩu thiệt hại hàng ngàn tỉ, kiến nghị Thủ tướng loạt giải pháp. https://nld.com.vn/kinh-te/tac-hang-hoa-o-cua-khau-thiet-hai-hang-ngan-ti-kien-nghi-thu-tuong-loat-giai-phap-2021122316544473.htm
[2] Xử lý hàng hoá ùn ứ ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ? https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xu-ly-hang-hoa-un-u-o-cua-khau-dau-la-giai-phap-can-co-682088.
[3] Giải pháp căn cơ để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu biên giới. https://www.vietnamplus.vn/giai-phap-can-co-de-nong-san-khong-un-tac-o-cua-khau-bien-gioi/776423.vnp
[4] Nông sản chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhiều thách thức khi chuyển sang chính ngạch. https://tuoitre.vn/chuyen-dich-xuat-khau-nong-san-tu-tieu-ngach-sang-chinh-ngach-20220309192942803.htm
[5] Chính phủ họp khẩn với các Bộ ngành để xử lý tình trạng ùn tắc nông sản hàng hóa kéo dài. https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/chinh-phu-hop-khan-voi-cac-bo-nganh-de-xu-ly-tinh-trang-un-tac-nong-san-hang-hoa-keo-dai.html