Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Theo số liệu thống kê, trong Tháng 2/2022, tuy số ca nhiễm mới Covid-19 trên cả nước đang tăng cao (gấn 1,5 lần so với Tháng 1), nhưng số bệnh nhân không qua khỏi khá thấp, chỉ bằng khoảng 40% tháng trước. Tại TP.HCM, các con số tương ứng là gần 2 lần và 4,4%. Đây là tín hiệu rất khả quan cho việc sớm phục hồi các hoạt động kinh tế trên cả nước.

 

Bên cạnh tin vui về tỉ lệ tử vong do Covid-19 giảm mạnh so với trước đây, thêm thông tin lạc quan từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: bức tranh xuất khẩu nông sản Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 vẫn có nhiều khởi sắc (tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021), cho dù xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam – đang gặp rất nhiều khó khăn. Xuất khẩu nông sản, lâm, thủy sản Việt Nam năm 2021 đã đạt kỳ tích, với kim ngạch 48,6 tỉ USD (tăng 14,9% so với năm 2020) trong điều kiện đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội tại Việt Nam, cho thấy ngành chế biến nông, lâm, thủy sản đang có bước phát triển cả về quy mô và mức độ hiện đại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng đã chỉ ra rằng, sự phát triển của ngành chế biến nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế. Thực tế, hơn 95% doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trong nước có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, nên ít có khả năng đầu tư công nghệ chế biến sâu, đòi hỏi vốn lớn. Do vậy, trình độ công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức trung bình, hệ số đổi mới thiết bị chỉ bằng khoảng một nửa so với các quốc gia khác. Mặt khác, mối liên kết hợp tác giữa các khâu “sản xuất - chế biến - tiêu thụ” còn khá lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Hệ quả là khả năng chế biến trong một số ngành hàng còn yếu, thiếu cơ sở chế biến; việc gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Như vậy, để phát triển hoạt động xuất khẩu nông sản, lâm, thủy sản một cách căn cơ, bên cạnh việc gia tăng các mối liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản cần tích cực tận dụng, khơi thông các nguồn vốn tín dụng, nhất là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước (ví dụ như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,…) để tăng cường liên kết, đầu tư, cải tiến công nghệ nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, cũng như đa dạng hóa sản phẩm.

 

Tạo ra được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã của nhiều thị trường xuất khẩu là giải pháp để sản phẩm Việt nói chung và các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản nói riêng thêm rộng đường ra thị trường thế giới. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 28/1/2022: “…Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistis cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đủ nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến. Thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị…”.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập