Cá tra là một loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Để giảm thiếu các bất ổn về nguồn nguyên liệu và dịch bệnh hoành hành trong thời gian gần đây, các chuyên gia tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã có nhiều nghiên cứu đảm bảo nguồn giống, năng suất và chất lượng cá tra, phục vụ hữu hiệu cho công tác nuôi trồng và xuất khẩu.
Năm 2021, diện tích nuôi thả cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 5.856,7ha (tăng hơn 10% so với năm 2020) và sản lượng thu hoạch đạt 1,525 triệu tấn (tăng 1,63% so với năm 2020). Trong đó, cá tra được thu hoạch tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre (chiếm 86,4% sản lượng toàn khu vực ĐBSCL). Ngoài khu vực ĐBSCL, cá tra còn được nuôi nhiều tại các tỉnh Tây Ninh và Quảng Nam.
Tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2021
Dù hoạt động sản xuất, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam bị gián đoạn trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 năm 2021, nhưng số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tính đến cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra vẫn đạt 1,61 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2020. Tuy Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu chính của cá tra Việt Nam, nhưng giá trị xuất khẩu qua Trung Quốc đã giảm 12,6% so với năm 2020, do rào cản thương mại Trung Quốc đưa ra nhằm giảm nhập khẩu thực phẩm đông lạnh. Bù cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc, xuất khẩu qua Mỹ đạt mức tăng trưởng tích cực, với 370,6 triệu USD (gấp đôi so với năm 2020). Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số một của các doanh nghiệp Việt Nam, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm trước.
Top 5 thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2021 (Nguồn: VASEP)
Với thị trường xuất khẩu đã rộng mở hơn sau đại dịch, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến và xuất khẩu là rất quan trọng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp nuôi cá tra vẫn đang có nhiều thách thức. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, dịch bệnh trên cá tra đã xảy ra tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, với tổng diện tích thiệt hại hơn 500 ha. Do nhu cầu thị trường lớn, giá thu mua cao nên một số cơ sở nuôi cá tra có thể mở rộng sản xuất năm 2022. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp cùng các hiện tượng cực đoan (nắng nóng kéo dài, mưa bão, lũ lụt, xâm nhập mặn,...) đang làm cho môi trường nuôi thay đổi nhanh, tác động xấu đến sức khỏe vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.
Phòng chống dịch bệnh trong ngành công nghiệp nuôi cá tra
Các nhà khoa học đã xác định vi khuẩn, ký sinh trùng, vi nấm là 3 tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thường hay xuất hiện trên cá tra nuôi ở ĐBSCL. Trong đó, bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri (E. Ictaluri) và bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila (A. Hydrophila) gây ra là tác nhân chính, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi cá tra thâm canh. Hai bệnh này xuất hiện ở hầu hết các vùng nuôi và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Hiện có 3 phương pháp chống dịch bệnh cho thủy sản:
- Sử dụng kháng sinh: là biện pháp được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam để điều trị bệnh do vi khuẩn, dù đã có những quy định hạn chế sử dụng do gây ô nhiễm môi trường, vi khuẩn gây bệnh dễ lờn thuốc và có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
- Sử dụng vaccine: là phương pháp lý tưởng để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh thủy sản trong quá trình nuôi, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và áp dụng, tuy nhiên phương pháp này chưa phổ biến tại Việt Nam.
- Sử dụng vi sinh vật có hoạt tính probiotic: sử dụng các vi sinh vật có lợi, có tiềm năng làm chế phẩm kiểm soát các tác nhân gây bệnh, giảm sử dụng kháng sinh, hướng tới một môi trường nuôi thân thiện và bền vững. Đây là phương pháp đang được quan tâm, đầu tư nghiên cứu để đưa vào sử dụng rộng rãi.
Tác động có lợi của probiotics trong nuôi trồng thủy sản (Màu đỏ: ức chế, Màu xanh: bổ trợ)
(Nguồn: biên dịch từ nghiên cứu Probiotics as beneficial microbes in aquaculture: an update in their multiple modes of action: A review của Zorriehzahra và cộng sự, năm 2016)
Để phát triển chế phẩm sinh học có hoạt tính đối kháng đồng thời với 2 loài vi khuẩn nguy hiểm nhất cho cá tra hiện nay là E. Ictaluri và A. Hydrophia, các chuyên gia tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu “Phân lập các chủng vi khuẩn có hoạt tính đối kháng với vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá Tra ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Từ 96 mẫu (bùn, nước ao, cá) thu được ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, nhóm nghiên cứu đã phân lập và lựa chọn được 184 khuẩn lạc có hoạt tính đối kháng với cả 2 loại vi khuẩn E. Ictaluri và A. Hydrophila. Về tính an toàn, 19/184 dòng khuẩn lạc có dung huyết γ, an toàn cho người và động vật thử nghiệm. Nghiên cứu đã định danh được 2 chủng B. Amyloliquefaciens BPT-894 và B. Bubtilis BMHH-421 an toàn cho thử nghiệm trên cá tra. Tỷ lệ sống của cá tra khi nuôi trong môi trường có bổ sung B. Amyloliquefaciens BPT 894 và B. Subtilis BMHH 421 trong 72 giờ đạt 100%. Cả 2 chủng này, khi bổ sung vào môi trường nuôi, đều có hiệu quả bảo vệ cá tra kháng bệnh gan thận mủ và xuất huyết; khả năng hỗ trợ cá tra kháng bệnh sau 72 giờ xử lý, giảm tỷ lệ chết của cá khi nhiễm E. Ictaluri và A. Hydrophila, tỷ lệ sống tương đối (RPS) đạt 50-60%, tùy loại vi khuẩn gây bệnh.
Đường kính vòng vô khuẩn của chủng B. Aamyloliquefaciens BPT 894, B. Subtilis BMHH 421 và chế phẩm đối với E. Ictaluri (A) và A. Hydrophila (B) (Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu)
Kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng vào ngành công nghiệp nuôi cá tra để kiểm soát bệnh gan thận mủ và xuất huyết, giúp tăng sản lượng nuôi cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ức chế hoạt động của các tác nhân gây bệnh, nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh B. Amyloliquefaciens và B. Subtilis còn có lợi trong việc cải thiện hệ tiêu hóa và tăng trưởng của vật chủ, cải thiện chất lượng nước, sản sinh các enzym chống oxy hóa. Do vậy, sử dụng chế phẩm sinh học gồm 2 chủng vi khuẩn này có thể hỗ trợ xử lý chất lượng nước ao nuôi và thân thiện với môi trường. Đề tài vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2021.
Đảm bảo ổn định nguồn giống cho sản xuất
Bên cạnh phòng chống dịch bệnh, việc đảm bảo nguồn giống và kiểm soát quá trình sản xuất cá tra nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng.
Hiện ở ĐBSCL có hơn 100 cơ sở sinh sản nhân tạo cá tra và gần 1.900 hộ ương nuôi cá tra giống với diện tích khoảng 1.500 ha. Trong sản xuất cá tra giống, Moina, một loài động vật phiêu sinh, rất quan trọng, có tính quyết định đến tỉ lệ sống trong giai đoạn ương của cá tra bột. Với 16 tỷ cá tra bột cần sản xuất mỗi năm, ước tính cần khoảng 14.400 - 20.000 tỉ cá thể Moina. Do đó, việc phân lập, tuyển chọn dòng Moina có tính ứng dụng cao, nguồn gốc di truyền rõ ràng, có khả năng nhân sinh khối nhanh và giá trị dinh dưỡng tốt để nâng cao tỉ lệ sống của cá tra, từ giai đoạn bột lên hương, là vấn đề mang tính cấp thiết để đảm bảo nguồn nguyên liệu cá tra nuôi.
Đây là mục tiêu mà các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM hướng đến khi triển khai đề tài “Tuyển chọn và phát triển một số dòng Moina triển vọng phục vụ ương nuôi cá tra bột”. Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.
Trong 66 mẫu Moina spp. thu tại 5 tỉnh thành thuộc khu vực ĐBSCL (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre và Long An) được định danh bằng hình thái và 48 mẫu được định danh bằng ứng dụng marker phân tử DNA barcode dựa trên gen ty thể cytochrome coxidase subunit I (mtCOI), phân tích cho thấy, loài M. Micrura hiện diện nhiều nhất, kế đến là loài M. Macrocopa. Theo kết quả thử nghiệm, trong 3 dòng Moina nghiên cứu (M. Macrocopa, M. Micrura nhóm I và II), dòng M. Micrura nhóm II cho kết quả tốt nhất về tăng trưởng sinh khối ổn định sau 2 tuần nuôi (đạt 10.787 ± 595 cá thể/L), có triển vọng trong ương nuôi cá tra bột lên hương, với tỉ lệ sống đạt đến 32 ± 2%.
Đặc điểm hình thái Moina micrura (Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu)
Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất kết hợp 2 dòng Moina (M. Micrura N2 và M. Macrocopa) trong phổ thức ăn của cá tra bột để có được kết quả tốt nhất.
***
Có thể thấy, khoa học và công nghệ có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo ổn định nguồn giống và phòng chống các loại bệnh phổ biến trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mà cá tra là một đại diện. Để phát triển bền vững, sự chung tay của các nhà khoa học với các doanh nghiệp sản xuất, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu cá tra là rất cần thiết. Với những kết quả rất tích cực, phục vụ hiệu quả cho các công đoạn sản xuất (nuôi thả) cá tra như trên, phối hợp cùng những công nghệ bảo quản cá thành phẩm thích hợp, sẽ là cơ sở vững chắc cho việc đảm bảo năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi cá tra và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] BT. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2022. https://dangcongsan.vn/kinh-te/tinh-hinh-dich-benh-tren-thuy-san-se-con-dien-bien-phuc-tap-trong-nam-2022-603996.html
[2] Lam Vân. Phân lập các chủng vi khuẩn có hoạt tính đối kháng với vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/phan-lap-cac-chung-vi-khuan-co-hoat-tinh-doi-khang-voi-vi-khuan-gay-benh-gan-than-mu-va-xuat-huyet-tren-ca-tra-o-dong-bang-song-cuu-long-a18446e6-6cfb-46d5-95c3-eb17457a0416
[3] Lam Vân. Tuyển chọn và phát triển một số dòng Moina triển vọng phục vụ ương nuôi cá tra bột. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/tuyen-chon-va-phat-trien-mot-so-dong-moina-trien-vong-phuc-vu-uong-nuoi-ca-tra-bot-1915aace-da1e-4e1a-838c-4a6822e65bda
[4] Tạ Hà. Xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2021 với nhiều cố gắng ngoài sức tưởng tượng. https://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/ca-tra/xuat-nhap-khau/xuat-khau-ca-tra-viet-nam-nam-2021-voi-nhieu-co-gang-ngoai-suc-tuong-tuong-23704.html
[5] ThS. Lê Lưu Phương Hạnh và cộng sự. Phân lập các chủng vi khuẩn có hoạt tính đối kháng với vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá Tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM.
[6] ThS. Lê Văn Hậu và cộng sự. Tuyển chọn và phát triển một số dòng Moina triển vọng phục vụ ương nuôi cá tra bột. Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM.
[7] Thu Hiền. (Ngành hàng cá tra hướng tới xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD năm nay. https://www.vietnamplus.vn/nganh-hang-ca-tra-huong-toi-xuat-khau-tren-16-ty-usd-nam-nay/774953.vnp