Xây dựng đô thị thông minh đang là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển đô thị, trong đó, chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Nói cách khác, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
Tác động của quá trình chuyển đổi số đến phát triển đô thị thông minh
Chuyển đổi số (CĐS) được định nghĩa là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.
Trong tiến trình phát triển đô thị bền vững, CĐS mang lại nhiều tác động tích cực. Về mặt kinh tế, một loại hình kinh tế mới - nền kinh tế số - xuất hiện, tạo ra những kết quả khả quan như tăng trưởng GDP; thay đổi về văn hóa, con người, quy trình kinh doanh và mô hình kinh doanh; tăng kỳ vọng của khách hàng về chất lượng của sản phẩm và dịch vụ,… Ở khía cạnh xã hội, CĐS thể hiện vai trò phát triển công bằng xã hội, như tạo công ăn việc làm mới; tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc; cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe,… Bên cạnh đó, CĐS, với những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), internet kết nối vạn vật (IoT),… cũng đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững của đô thị như cải thiện môi trường; giảm phát thải carbon, chất thải ra môi trường; tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên,…
Phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện CĐS cho một đô thị (Nguồn:hcmcpv.org.vn)
Kinh nghiệm chuyển đổi số ở một số đô thị trên thế giới
Thành phố Kavala (Hy Lạp)
Trong chiến lược CĐS, thành phố Kavala lựa chọn giải quyết vấn đề môi trường kinh doanh còn hạn chế, như trình độ kỹ năng và khả năng sử dụng công nghệ thông tin còn thấp, hạn chế tiếp cận tài chính, chảy máu chất xám và thiếu sự cộng tác giữa các doanh nghiệp địa phương. Thành phố đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành mạng lưới hợp tác giữa chính quyền, trường đại học/viện nghiên cứu và doanh nghiệp để cùng xây dựng chiến lược CĐS, thúc đẩy các ngành kinh tế truyền thống của địa phương. Thành phố đã xác định trở thành nền tảng chung (City as a platform) về kỹ thuật số, thúc đẩy phát triển bền vững trong các ngành du lịch, nông nghiệp, logistics và công nghệ thông tin. Chiến lược CĐS tập trung vào việc tạo ra các kỹ năng số cho công dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho khu vực tư, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp sôi động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thành phố Busan (Hàn Quốc)
Tại Hàn Quốc, phát triển đô thị, xây dựng các thành phố thông minh là một phần chiến lược trong chính sách kinh tế quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp mới. Busan là thành phố được Hàn Quốc tập trung phát triển đô thị thông minh, CĐS hiệu quả nhờ vào đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thông minh, sử dụng các công nghệ hiện đại (AI, mạng 5G/6G, chuỗi khối,…) để phát triển các ngành mới như xe tự hành, máy bay không người lái và năng lượng thông minh. Thành phố thông minh Busan phát triển trên cơ sở dự án U-City. U-City là nỗ lực đầu tiên của Hàn Quốc trong việc tích hợp các dịch vụ khác nhau trong một thành phố thông qua công nghệ thông tin và truyền thông, mang lại sự tiện lợi hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và tiết kiệm hơn.
Thành phố thông minh Busan đã triển khai các sáng kiến về quản lý hành chính, giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng,… Điểm nổi bật của Thành phố là ứng dụng công nghệ quản lý nguồn nước thông minh trong toàn bộ chu trình xử lý nước đô thị từ nước mưa, nước sông, nước cống. Thành phố cũng có hệ thống năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, pin nhiên liệu) đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của người dân. Ngoài ra, Busan cũng đẩy mạnh việc sử dụng người máy chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, vận chuyển hàng hóa, giúp đỗ xe, tính tiền tại các cửa hàng...Trong lĩnh vực giao thông thông minh, Thành phố tối ưu hóa giao thông bằng cách phân tích dòng phương tiện lưu thông và dùng chung phương tiện giúp giảm thời gian và chi phí đi lại. Bên cạnh đó, việc đưa vào hoạt động nhiều loại phương tiện vận tải hiện đại như xe tự hành cũng giúp ích nhiều cho người dân trong cuộc sống thường nhật.
Singapore
Singapore cũng được xem như một minh chứng rõ nét về sự thành công trong quá trình CĐS tại châu Á. Singapore đã vận dụng thông minh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 để tăng tốc, phát triển và chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế. Quốc gia này cũng lựa chọn tập trung giải quyết các vấn đề về dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Số hóa dịch vụ công được thực hiện từ năm 1960 với mục tiêu cung cấp dịch vụ công tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Đến năm 2000, có đến 90% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; 10 năm sau đó, Singapore cung cấp dịch vụ công tích hợp. Năm 2014, Chính phủ Singapore đưa ra sáng kiến xây dựng quốc gia thông minh với ba trụ cột chính là kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Có thể nói quá trình CĐS của Singapore diễn ra khá sớm so với nhiều thành phố trên thế giới và rất thành công. Với chủ trương lấy người dân làm trung tâm, Chính phủ Singapore đã xây dựng 11 dịch vụ một cửa với những tiện ích thiết yếu cho người dân. Những dịch vụ này tiết kiệm thời gian, chi phí và thay đổi nhận thức của người dân. Với định hướng phát triển thành phố thông minh, chính phủ Singapore đã tập trung nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách thực hiện các chương trình hỗ trợ chính sách, chi phí và nâng cao tri thức cho cộng đồng khởi nghiệp như “Chief Technology Officer as a service”, “Digital Leaders Program”, “Open Innovative Platform”. Thành công từ CĐS tại Singapore được tạo thành bởi nhiều nhân tố, cụ thể là: nâng cao dịch vụ công, tạo môi trường học tập về thể chế, hợp tác công tư, đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin, phổ cập kiến thức về công nghệ thông tin và năng lực người dùng, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp tại địa phương.
Có thể thấy các thành phố được đánh giá thành công trong CĐS đều có một chiến lược phát triển thông minh, tập trung để giải quyết những vấn đề tồn tại của thành phố và thỏa mãn hơn nữa nhu cầu của người dân để hướng đến phát triển thành phố bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xây dựng thành phố thông minh (Nguồn: Kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM)
Chuyển đổi số tại TP.HCM
Tại TP.HCM, chương trình CĐS được xây dựng dựa trên Chương trình CĐS quốc gia, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố. TP.HCM đặt ra tầm nhìn, mục tiêu CĐS là đến năm 2030, Thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền, của các doanh nghiệp và sự thịnh vượng, văn minh của xã hội. Chương trình CĐS của TP.HCM bao gồm ba nội dung trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đó là những hoạt động chú trọng vào lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền - người dân và ngược lại; đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực; xây dựng nền kinh tế số,…
Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở TP.HCM.(Nguồn: hcmcpv.org.vn)
Đối với kinh tế số, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định chỉ tiêu phấn đấu đưa kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và 40% đến năm 2030. Phát triển kinh tế số của Việt Nam và TP.HCM gồm các trụ cột: nhân lực số; công nghệ số, hạ tầng số; thể chế số; kinh tế số trong lĩnh vực tài chính (công nghệ tài chính – Fintech). Thành phố đã có Quyết định số 503/QĐ-UBND về ban hành Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030” đề ra các nhóm nhiệm vụ về kinh tế số, cụ thể như: nâng cao nhận thức và kỹ năng số; phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu và ứng dụng kinh tế số; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới. đồng thời, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực công nghệ; xây dựng hệ sinh thái số cho doanh nghiệp; phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số. Thời gian qua, với “Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM”, Thành phố đã có hơn 3.000 doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo về công cụ quản trị năng suất chất lượng, tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo.
Ở khía cạnh phát triển xã hội số, CĐS giúp người dân có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí…, từ đó, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Thời gian qua, nhiều ngành nghề, lĩnh vực ở TP.HCM đã thực hiện CĐS trong các công tác phục vụ. Cụ thể, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện. 100% các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy,… Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế đã hỗ trợ rất kịp thời trong chăm sóc sức khỏe người dân. Trong lĩnh vực giáo dục, triển khai "Chương trình CĐS của ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025", ngành giáo dục và đào tạo Thành phố đã xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM. Trong bối cảnh Covid 19, TP.HCM đã nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”. Việc CĐS trong giáo dục đã đem lại cơ hội học tập, phát triển bản thân, tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, công bằng hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học suốt đời.
Về chính quyền số, hiện Thành phố đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung, liên thông văn bản điện tử của hơn 900 đơn vị trên địa bàn, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp,… tích hợp với kho dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số giai đoạn 2020-2030, tăng cường phủ sóng 3G, 4G, hướng đến 5G và cáp quang đến tận cấp phường, khu phố; chú trọng ứng dụng AI trong một số lĩnh vực như thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, giao thông.
Năm 2022, TP.HCM đặt mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc CĐS với các vấn đề cần đặc biệt quan tâm: quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố. Từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.
Giao diện Cổng thông tin CĐS TP.HCM. (Nguồn: moc.gov.vn)
Để phục vụ nhu cầu CĐS của các tổ chức, doanh nghiệp tại Thành phố, gần đây (ngày 18/3/2022), Sở Thông tin và Truyền thông vừa chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động Cổng thông tin CĐS TP.HCM (địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn), một trong những bước đi cụ thể trong kế hoạch triển khai chương trình CĐS của TP.HCM, được UBND Thành phố ban hành vào cuối tháng 2/2022. Cổng thông tin CĐS cung cấp thông tin tổng quan về các kế hoạch CĐS của Thành phố; cẩm nang CĐS; tin tức tổng hợp về CĐS của Thành phố, Việt Nam và thế giới; các hoạt động hợp tác, chuyển giao về CĐS; thư viện đa phương tiện liên quan đến CĐS.
Thông qua Cổng thông tin CĐS TP.HCM, lãnh đạo Thành phố có thể nắm bắt, tiếp nhận những ý kiến, góp ý, hiến kế của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức kịp thời hệ thống hóa và nắm bắt các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án CĐS của Thành phố. Chuyên gia, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể truy cập, tìm hiểu thông tin về CĐS của Thành phố; tìm kiếm các ứng dụng, hệ thống dịch vụ công đã và đang được cung cấp trên nền tảng số phục vụ nhu cầu công việc và cuộc sống; trực tiếp tham gia vào quá trình CĐS của Thành phố thông qua các đề xuất, sáng kiến,…
Với lộ trình và những bước đi cụ thể, quá trình CĐS được xem là một trong những chiến lược quan trọng giúp TP.HCM, cũng như các đô thị lớn trong cả nước, xây dựng thành công thành phố thông minh và phát triển bền vững.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Phòng Marketing-Truyền thông – Đại học kinh tế TP.HCM. Tác động của chuyển đổi số trong phát triển đô thị: cơ hội và thách thức cho Việt Nam. https://future.ueh.edu.vn/chi-tiet-knowlege/podcast-tac-dong-cua-chuyen-doi-so-trong-phat-trien-do-thi-co-hoi-va-thach-thuc-cho-viet-nam-phan-1-cac-xu-huong-phat-trien-do-thi-tac-dong-cua-cmcn-va-chuyen-doi-so-den-phat-trien-do/
[2] Những hình mẫu sinh động về thành phố thông minh trên thế giới. https://www.vietnamplus.vn/nhung-hinh-mau-sinh-dong-ve-thanh-pho-thong-minh-tren-the-gioi/767141.vnp
[3] Đình Lý. TPHCM tiên phong trong chuyển đổi số. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-1491874570
[4] Phan Anh. TP HCM đẩy mạnh chuyển đổi số. https://nld.com.vn/cong-nghe/tp-hcm-day-manh-chuyen-doi-so-20220319202946474.htm
[5] TP. HCM: Hướng đến chuyển đổi số toàn diện. https://www.moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/tp-hcm-huong-den-chuyen-doi-so-toan-dien-47211.html
[6] TS Bùi Ngọc Hiền - Học viện Cán bộ TP.HCM. Phát triển kinh tế số ở Thành phố Hồ Chí Minh. https://tcnn.vn/news/detail/51570/Phat-trien-kinh-te-so-o-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh.html