Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Để đáp ứng hàng rào kỹ thuật tại nhiều nước nhập khẩu, nông sản cần được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tuy công tác thiết lập và cấp mã số cho các đối tượng này thời gian qua có nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những bất cập về nhận thức, khai thác và các công tác phối hợp, quản lý.

Các mặt hàng là rau quả tươi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand,… đều có yêu cầu về kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Trong đó, tiên quyết là phải có vùng trồng riêng cho loại hàng hóa xuất khẩu đã được đăng ký và chịu sự kiểm soát của cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia xuất hàng (Cục Bảo vệ thực vật). Mỗi thị trường xuất khẩu khác nhau có thể sẽ có quy định về cấp mã số vùng trồng khác nhau, nhưng đều hướng đến việc quản lý và giám sát để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói; các loại sinh vật gây hại đã phát hiện và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hàm lượng đã sử dụng.

Nhãn của xã Đại Thành (huyện Quốc Oai, Hà Nội) được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Mã số vùng trồng cũng còn là một tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu mà ngược lại, còn giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất ý thức được quá trình sản xuất liên quan mật thiết đến chất lượng và giá thành sản phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 63 tỉnh thành Việt Nam đang áp dụng hai tiêu chuẩn 774:2020/BVTV và 775:2020/BVTV để kiểm soát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tính đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 3.646 mã số vùng trồng (với diện tích 197.000 ha tại 50/63 tỉnh, thành phố) và 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho các loại trái cây tươi xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong nước vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, nên tỉ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng chưa cao, và mới chỉ tập trung ở một số loại cây ăn trái chủ lực. Chưa có vùng trồng lúa nào của nước ta được cấp mã số vùng trồng, dù Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Bên cạnh đó, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu. Do vậy, một số nước nhập khẩu đã phát hiện và cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu đối với các nông sản có tình trạng mạo danh mã số vùng trồng; vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và cơ sở đóng gói.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Nguồn: Điều 64 Luật trồng trọt (Luật số 31/2018/QH14)

 

Thúc đẩy công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Các thị trường nhập khẩu hiện không cần nơi sản xuất áp dụng VietGAP, GlobalGAP, mà yêu cầu kiểm soát mã số vùng trồng và khi đóng gói xuất khẩu không có tồn dư thuốc BVTV không được phép sử dụng (hoặc vượt quá hạn định). Do vậy, việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là rất cần thiết.

Mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một cơ sở đóng gói (PHC-Packing House Code).

Nguồn: TCCS 775:2020/BVTN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn các địa phương xác định cây trồng chủ lực, thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu làm cơ sở cấp mã số vùng trồng; yêu cầu các tỉnh, thành xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Các tổ chức, cá nhân muốn được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, thực hiện theo quy trình sau:

Xin cấp mã số vùng trồng

Hồ sơ cấp mã số vùng trồng bao gồm: tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số vùng trồng (phụ lục A tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV); danh sách các hộ nông dân vùng trồng kèm theo diện tích và giấy chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP,….) hoặc tương đương cho vùng trồng xin cấp mã số và các thông tin cần thiết.

Tổ chức, cá nhân trình yêu cầu lên Cục Bảo vệ thực vật (BVTV). Nếu các tài liệu đáp ứng yêu cầu, Cục BVTV sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng nông sản xin cấp mã số. Khi tất cả các tiêu chí kỹ thuật của vùng trồng đáp ứng đầy đủ yêu cầu, Cục BVTV sẽ cấp mã số vùng trồng (Production Unit Code - P.U.C), thông báo kết quả và mã số vùng trồng cho tổ chức/cá nhân đăng ký và gửi mã số P.U.C sang cơ quan BVTV của nước nhập khẩu. Trường hợp vùng trồng chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, cần phải khắc phục các nội dung còn khiếm khuyết.

Quy trình cấp mã số vùng trồng (Nguồn: TCCS 774:2020/BVTV)

Riêng đối với thị trường Mỹ, cơ quan BVTV của Mỹ sẽ cấp thêm mã số IRADS (Irradiation Reporting and Accountability Database) dựa trên mã số P.U.C của Cục BVTV. Do vậy, khi xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Mỹ, hàng hóa phải đảm bảo có đầy đủ 2 loại mã là P.U.C và IRADS.

Xin cấp mã số cơ sở đóng gói

Hồ sơ cấp mã số cơ sở đóng gói bao gồm: tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói (phụ lục A tiêu chuẩn cơ sở 775:2020/BVTV), thông tin của cá nhân/tổ chức đại diện cơ sở đóng gói, bản vẽ chi tiết mặt bằng cơ sở đóng gói, diễn giải sơ đồ vận hành cơ sở đóng gói, bản sao chứng nhận (HACCP/GMP/ISO 9001/ISO 22000) của cơ sở đóng gói và các thông tin cần thiết. Hồ sơ được tổ chức, cá nhân nộp về Cục BVTV để được thẩm định. Cục BVTV sẽ cử các chuyên gia đến khảo sát trực tiếp tại cơ sở, cấp mã số và gửi thông tin chi tiết mã số đã cấp cho nước nhập khẩu, nếu cơ sở đóng gói đạt yêu cầu. Khi nước nhập khẩu phê duyệt, Cục BVTV sẽ thông báo và gửi mã số cho Chi cục BVTV (hoặc Chi cục Trồng trọt và BVTV) tỉnh. Cơ quan BVTV tại tỉnh sẽ đánh giá, giám sát định kỳ tại cơ sở đóng gói. Trường hợp cơ sở đóng gói chưa đạt yêu cầu, chuyên gia của Cục BVTV sẽ hỗ trợ, góp ý cho cơ sở để khắc phục các nội dung chưa phù hợp.

Quy trình cấp mã số cơ sở đóng gói (Nguồn: TCCS 775:2020/BVTV)

Quản lý chặt việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được ví như giấy thông hành của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Trước thực trạng nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bị mạo danh khiến các nước nhập khẩu cảnh báo, việc cấp và quản lý sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần được thực hiện nghiêm ngặt hơn.

Theo Cục BVTV, cần tiếp tục hình thành liên kết chuỗi sản phẩm, từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng sản phẩm trà trộn (từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói đã có mã số) vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu; rà soát lại hiện trạng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng các mã số vùng trồng đã cấp (tránh tình trạng sản phẩm mượn danh mã số để hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu, dù doanh nghiệp không còn hoạt động nữa).

Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành ngày 28/3/2022) cũng xác định, cần thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV, áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói; đảm bảo sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch,... Đối với các doanh nghiệp, người sản xuất, cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu; chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Để nâng cao số diện tích đăng ký mã vùng trồng, theo Cục BVTV, nên có cơ chế hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, thiết lập và quản lý mã số đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói; đồng thời, đưa việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vào chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm được tầm quan trọng của việc cấp, duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Mỗi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng, cơ sở đóng gói đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số đó sẽ bị thu hồi.

Với việc đẩy mạnh phân cấp và tăng cường năng lực cho địa phương về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; quản lý, giám sát và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đến năm 2025, số lượng vùng trồng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được cấp mã số có thể tăng gấp 3-5 lần so với hiện nay và đối tượng cây trồng được mở rộng hơn (cấp mã số cho cây lúa, rau màu, khoai lang,…), tạo điều kiện đóng góp hữu hiệu vào các nỗ lực hướng đến một nền nông nghiệp xanh, minh bạch, hiệu quả, bền vững; góp phần nhanh chóng hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ vừa phê duyệt.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Trung Quân. Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. https://nongnghiep.vn/day-manh-cap-ma-so-vung-trong-phuc-vu-xuat-khau-d309724.html
[2] Nguyên Huân. Giải pháp quản lý hiệu quả mã số vùng trồng. https://nongnghiep.vn/giai-phap-quan-ly-hieu-qua-ma-so-vung-trong-d273240.html
[3] PV. Nhiều mã số vùng trồng bị mạo danh khiến nước nhập khẩu cảnh báo, Bộ NNPTNT ra chỉ thị khẩn. https://danviet.vn/nhieu-ma-so-vung-trong-bi-mao-danh-khien-nuoc-nhap-khau-canh-bao-bo-nnptnt-ra-chi-thi-khan-20220328154855948.htm
[4] Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói. https://www.ppd.gov.vn/FileUpload/Documents/HTQT/21.05.20%20-%20TCCS%20775%20Final_0001.pdf
[5] Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng. https://www.ppd.gov.vn/FileUpload/Documents/HTQT/21.05.20%20-%20TCCS%20774%20Final_0001.pdf
[6] Luật trồng trọt 31/2018/QH14. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Luat-trong-trot-2018-336355.aspx

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập