Chọn mẫu phi xác suất là phương pháp chọn các đơn vị từ tổng thể theo chủ quan của nhà nghiên cứu. Vì lấy mẫu phi xác suất không yêu cầu khung khảo sát hoàn chỉnh nên đây là cách thu thập dữ liệu nhanh chóng, dễ dàng và không tốn kém.
Chọn mẫu thuận tiện (convenience sampling)
Chọn mẫu thuận tiện là cách chọn mẫu mà người nghiên cứu chỉ cần chọn một đặc điểm phù hợp với nghiên cứu và thực hiện phỏng vấn những người có thể tiếp xúc được. Ví dụ: chọn mẫu nghiên cứu gần nhà, xung quanh người nghiên cứu, hoặc chọn mẫu đi ngang qua trong khu vực mà nhà nghiên cứu muốn nghiên cứu.
Đây là kỹ thuật lấy mẫu được sử dụng phổ biến nhất vì nó cực kỳ nhanh chóng, không phức tạp và ít tốn kém.
Hình 1. Phương pháp Chọn mẫu tiện lợi (nguồn BRM)
Chọn mẫu định mức (quota sampling)
Lấy mẫu định mức là cách lấy mẫu được thực hiện cho đến khi chọn được một số lượng cần thiết nào đó (hạn ngạch) cho các quần thể con khác nhau. Gần giống như chọn mẫu phân tầng là chia tổng thể thành các nhóm riêng lẻ, chọn mẫu định mức sẽ lấy các mẫu thuận tiện, cho tới khi đủ số lượng (khác với chọn mẫu phân tầng sẽ chọn các đối tượng một cách ngẫu nhiên).
Ví dụ: Cần chọn 100 sinh viên từ 1.000 sinh viên của đại học X, trong đó có 50 nam, 50 nữ. Nhà nghiên cứu chọn các sinh viên nam và nữ theo phương pháp chọn mẫu tiện lợi. cho đến khi có đủ 50 nam và 50 nữ.
Hình 2. Chọn mẫu định mức quota (nguồn questionpro.com)
Chọn mẫu có mục đích (purposes sampling/judgement sampling)
Mẫu có mục đích là mẫu được nhà nghiên cứu chọn một cách chủ quan, dựa trên phán đoán, khi xác định các nhóm đối tượng quan trọng trong quần thể. Từ đó, xác định tỷ lệ chọn mẫu phù hợp cho các nhóm, với điều kiện các mẫu này có tính đại diện cho tổng thể nghiên cứu. Chọn mẫu có mục đích thường được dùng trong điều tra thăm dò và phỏng vấn sâu.
Ví dụ: phóng viên nghiên cứu đánh giá của người dân về việc ngập nước. Khi đó người phóng viên phán đoán và chọn người cần hỏi.
Hình 3. Chọn mẫu có mục đích (nguồn BRM)
Chọn mẫu tuyết lăn (snowball sampling)
Lấy mẫu cầu tuyết thường được dùng để nghiên cứu các mẫu khó tiếp cận, hiếm và khó tìm. Phương pháp này tìm mẫu từ nguồn giới thiệu của mẫu đầu tiên, hoặc từ thông tín viên có mối liên hệ với đối tượng mẫu sẽ làm trung gian hỗ trợ tiếp cận mẫu nghiên cứu.
Hình 4. Lấy mẫu Snowball sampling (nguồn Questionpro.com)
Lấy mẫu tự lựa chọn (self-selection (volunteer) sampling)
Lấy mẫu tự lựa chọn hay còn gọi là lấy mẫu tình nguyện viên. Bản thân người được hỏi sẽ tự quyết định xem họ tham gia vào cuộc điều tra hay không. Các tình nguyện viên phải được sàng lọc để có được một tập hợp các đặc điểm phù hợp với mục đích của cuộc khảo sát.
Ví dụ: khảo sát đánh giá của người tiêu dùng sản phẩm kem đánh răng tại siêu thị. Khi đó nhân viên khảo sát sẽ mời khách hàng đi siêu thị tham gia khảo sát.
Hình 5. Lấy mẫu tự lựa chọn (nguồn https://researchmethod.net/)
Chọn mẫu chuyên gia
Chọn mẫu chuyên gia liên quan đến chọn một mẫu bao gồm những người đã được biết là có kinh nghiệm và chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó. Thường chúng ta thu xếp một mẫu như vậy dưới danh nghĩa là “một nhóm chuyên gia”.
Nhóm quan tâm
Phương pháp này thường hay được dùng trong nghiên cứu thị trường nhằm tìm hiểu những mặt hàng cụ thể mà xã hội cần và sẽ tiêu dùng. Để nghiên cứu chúng ta thường điều tra 10-20 người cùng mua một mặt hàng nào đó để đại diện cho nhóm những người có cùng sở thích hoặc nhóm khách hàng tiềm năng.
Ưu nhược điểm của các cách chọn mẫu phi xác suất
Phương pháp chọn mẫu | Ưu điểm | Nhược điểm |
Chọn mẫu tiện lợi |
Một phương pháp mang tính thực tế bởi vì việc lựa chọn mẫu luôn có sẵn. |
Bởi vì mẫu là một cơ hội và tình nguyện do vậy mà nó đôi khi không giống như những cá thể khác trong tổng thể nghiên cứu. |
Chọn mẫu định mức |
Có thể hiện thực nếu như phần số liệu có sẵn mô tả tỷ lệ của các nhóm. |
Các số liệu đã có phải luôn được cập nhật để có tỷ lệ chính xác. |
Chọn mẫu có mục đích |
Tiết kiệm chi phí và thời gian nhất, có thể là phương pháp thích hợp duy nhất nếu chỉ có một số lượng hạn chế các nguồn dữ liệu sơ cấp và có tính ứng dụng cao trong nghiên cứu nhân học. |
Dễ bị sai sót trong đánh giá của nhà nghiên cứu. Mức độ tin cậy thấp và mức độ sai lệch cao. Không có khả năng khái quát hóa kết quả nghiên cứu. |
Chon mẫu tuyết lăn |
Thích hợp trong điều kiện không có khung chọn mẫu |
Việc lựa chọn này có thể dẫn đến những sai sót chọn mẫu. Không thể kiểm tra được ai là người sẽ được tham gia. |
Lấy mẫu tự lựa chọn |
Phù hợp với các nghiên cứu thuộc dạng thị trường hay đối với những nhóm khó tiếp cận. |
Có thể chứa đựng những sai sót chọn mẫu và tính đại diện. |
Chọn mẫu chuyên gia |
Phù hợp cho các nghiên cứu chuyên sâu hay việc tham khảo kinh nghiệm cho những vấn đề lý luận nhà nghiên cứu đưa ra. |
Khó khăn trong tập hợp các chuyên gia. Cần có lượng kiến thức vững chắc và am hiểu để phân tích những kết quả do chuyên gia đưa ra. |
Nhóm quan tâm |
Phù hợp trong việc định hướng cho việc phát triển điều tra. |
Phải là những nhóm tương đối nhỏ nhưng mang tính đại diện cho tổng thể lớn hơn. |
Minh Thư
----------------------------------------
Các bài viết liên quan:
Chọn mẫu trong nghiên cứu - Phần 1: Một số khái niệm và phương pháp chọn mẫu
Chọn mẫu trong nghiên cứu - Phần 2: Phương pháp chọn mẫu xác suất (probability sampling)
Chọn mẫu trong nghiên cứu - Phần 4: Vận dụng các phương pháp chọn mẫu
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] Non-probability sampling https://www150.statcan.gc.ca/n1/edu/power-pouvoir/ch13/nonprob/5214898-eng.htm
[2] https://research-methodology.net/sampling-in-primary-data-collection/convenience-sampling/
[3] Convenience Sampling: Definition, Advantages and Examples. https://www.questionpro.com/blog/convenience-sampling/
[4] Conceptualizing Quota Sampling in Market Research. https://www.ovationmr.com/quota-sampling/
[5] Black, K. (2010) “Business Statistics: Contemporary Decision Making” 6th edition, John Wiley & Sons
[6] Saunders, M., Lewis, P. & Thornhill, A. (2012) “Research Methods for Business Students” 6th edition, Pearson Education Limited p.288. https://researchmethod.net/volunteer-sampling/
[7] Đỗ Anh Tài. 2008. Giáo trình phân tích số liệu thống kê. http://thuvien.due.udn.vn:8080/dspace/bitstream/TVDHKT/342/2/Toan%20van.pdf
---------------------------------------------------------------------------------------------------