Theo thông tin từ Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức vừa diễn ra tại Bình Định, năm 2022 cả nước ghi nhận số mắc sốt xuất huyết tăng hơn 5 lần, số ca tử vong tăng 5,3 lần so với năm 2021. Số lượng ca mắc sốt xuất huyết diễn ra phức tạp và đang trong xu hướng tăng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh. Khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ mắc bệnh SXH, với ước tính khoảng 100–400 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm. Căn bệnh này hiện đang có mặt ở hơn 100 quốc gia thành viên của WHO ở các Châu lục, trong đó Châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Số ca mắc sốt xuất huyết lớn nhất từng được báo cáo trên toàn cầu là vào năm 2019. Tất cả các khu vực đều bị ảnh hưởng và sự lây truyền SXH lần đầu tiên được ghi nhận ở Afghanistan. Tại khu vực Châu Mỹ đã có 3,1 triệu ca bệnh, với hơn 25.000 ca được xếp loại “nghiêm trọng”. Một số quốc gia bị dịch bệnh nặng nề trong thời gian này là Philippines (420.000), Việt Nam (320.000), Malaysia (131.000), Bangladesh (101.000),…
Theo dữ liệu của Cục Y tế Dự phòng, tính từ năm 1980 đến năm 2019, tại Việt Nam, số lượng ca mắc SXH diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm, trong đó năm 1987 ghi nhận số lượng ca nhiều nhất hơn 350.000. Và khoảng 9-12 năm sẽ có một năm là đỉnh dịch với số lượng ca mắc SXH tăng cao (bốn đỉnh dịch SXH 1987, 1998, 2010, 2019), tuy nhiên số lượng tử vong được kiểm soát với số lượng tử vong giảm rõ rệt, đây là dấu hiệu tích cực trong kiểm soát dịch bệnh và điều trị SXH tại nước ta (Hình 1).
Hình 1. Biểu đồ lượng ca SXH và tử vong từ năm 1980 đến 2019. (Nguồn: Cục Y tế Dự phòng)
Từ năm 2020 đến nay số lượng ca SXH đang có xu hướng tăng trở lại, kèm theo đó, số lượng tử vong cũng tăng theo. Theo dữ liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2020, cả nước có 128.970 trường hợp mắc bệnh SXH (23 trường hợp tử vong). Năm 2021, 69.354 trường hợp mắc bệnh SXH (22 trường hợp tử vong). Năm 2022, cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc SXH (đến 133 ca tử vong). Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã có hơn 34.900 trường hợp mắc bệnh SXH (Hình 2).
Hình 2. Tình hình mắc bệnh SXH và số ca tử vong, từ năm 2020 đến cuối tháng 6/2023
Theo khuyến cáo của WHO, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho SXH/SXH nặng, nhưng phát hiện sớm và đến sớm các cơ sở y tế để được chăm sóc y tế đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%. Các biện pháp kiểm soát véc-tơ truyền bệnh (véc-tơ là bất kỳ sinh vật nào có khả năng truyền mầm bệnh hoặc tác nhân gây bệnh tới khối cảm thụ-người không được bảo vệ hoặc động vật) hiệu quả là vấn đề then chốt trong công tác phòng chống SXH. Ví dụ: Các hoạt động kiểm soát lây truyền bệnh tập trung vào véc-tơ chính là muỗi vằn Ae. Aegypti trong môi trường sống ở giai đoạn trưởng thành và lăng quăng trong hộ gia đình và vùng lân cận cũng như các môi trường khác, nơi xảy ra sự tiếp xúc giữa con người và véc-tơ.
Hàng năm vào mùa dịch, các tỉnh thành cả nước đều chủ động, tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Bệnh SXH thường xảy ra vào thời điểm tháng 3, tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 (đỉnh dịch thường rơi vào tháng 10-11). Đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn.
“Bốn tuần gần đây, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận số ca mắc SXH tăng cấp kỳ. Cụ thể, mỗi tuần ghi nhận gần 500 ca mắc, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.” là một nội dung vừa được đề cập trên báo Tuổi trẻ ngày 14/8, cho thấy sức nóng của dịch SXH đã bắt đầu gia tăng trên cả nước trong năm nay.
Tại TP.HCM, thông tin từ Sở Y tế cho thấy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 10.000 ca mắc bệnh SXH tại Thành phố. Hiện mỗi ngày có từ 30-40 ca mắc mới và 40-50 ca nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc SXH trong tuần gần nhất tăng 18,8% lần so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có tỉ lệ số ca mắc/100.000 dân cao gồm quận 1, quận 8 và huyện Bình Chánh.
Theo Sở Y tế, để giảm số ca mắc SXH thì một trong các giải pháp quan trọng hiện nay là phân loại đúng, xử lý dứt điểm các điểm nguy cơ gây dịch tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Ngành y tế cũng tổ chức các lớp tập huấn về điều trị cũng như can thiệp phòng bệnh tại cộng đồng, đồng thời, tiếp tục vận dụng mô hình phân tầng vào công tác thu dung điều trị SXH, tăng cường duy trì hoạt động tổ chuyên gia điều trị SXH Dengue của Sở Y tế để tư vấn và hỗ trợ kịp thời trong xử lý dịch bệnh.
Minh Thư
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Cục Y tế Dự phòng. Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống trọng tâm. https://vncdc.gov.vn/files/article_attachment/2020/9/2-cuc-ytdp-bai-trinh-bay-hoi-nghi-sxh-1992020-final-1(1).pdf
[2] PV. Cả nước ghi nhận hơn 25.400 ca sốt xuất huyết. https://vtv.vn/suc-khoe/ca-nuoc-ghi-nhan-hon-25400-ca-sot-xuat-huyet-20230417132829806.htm
[3] Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh. Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TP. Hồ Chí Minh tính đến tuần 28/2023. https://hcdc.vn/tinh-hinh-dich-benh-sot-xuat-huyet-va-tay-chan-mieng-tai-tp-ho-chi-minh-tinh-den-tuan-282023-u0mAV7.html#:~:text=T%C3%ADnh%20t%E1%BB%AB%20ng%C3%A0y%2010%2F7,tu%E1%BA%A7n%20tr%C6%B0%E1%BB%9Bc%20l%C3%A0%201.020%20ca.
[4] WHO. Dengue in the South-East Asia. https://www.who.int/southeastasia/health-topics/dengue-and-severe-dengue
[5] Suckhoedoisong.vn. TP.HCM: Sốt xuất huyết vào tháng cao điểm, tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh. https://trungtamytequan10.medinet.gov.vn/chuyen-muc/tphcm-sot-xuat-huyet-vao-thang-cao-diem-tay-chan-mieng-tiep-tuc-tang-nhanh-cmobile15612-105397.aspx