Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Trong giai đoạn 2020-2024, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Dưới đây là một số số liệu đáng chú ý về sự phát triển của ngành trong giai đoạn này.  

 

Nuôi trồng thủy sản

Việt Nam có diện tích mặt nước lớn, bao gồm nước ngọt, lợ và mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Năm 2023, tổng diện tích thu hoạch thủy sản toàn quốc đạt 1,06 triệu ha, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ lớn nhất (khoảng 72%).

Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản Việt Nam giai đoạn 2020-2023

Mặc dù diện tích thu hoạch giảm nhưng sản lượng thủy sản vẫn tang, nhờ vào việc áp dụng các mô hình nuôi trồng công nghệ cao. Các công nghệ như: Biofloc, nuôi thâm canh, công nghệ tuần hoàn, cảm biến IoT và mô hình VietGAP, GlobalGAP đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nước và giảm ô nhiễm môi trường. Những mô hình, công nghệ này cải thiện hiệu quả nuôi trồng, tăng cường khả năng chống bệnh và tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm.

 

Khai thác thủy sản

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có bốn khu vực thủy sản khai thác lớn nhất là: Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 80% tổng sản lượng khai thác.

Tính đến ngày 1/12/2023, cả nước có tổng cộng 90.778 tàu thuyền khai thác đang hoạt động, trong đó tàu có công suất từ 90 CV (dùng để khai thác vùng lộng và vùng khơi) đạt 34.825 chiếc.

Sản lượng khai thác biển tùy thuộc vào nguồn lợi thủy sản của từng vùng biển, nhưng đóng vai trò quan trọng, chiếm phần lớn trong tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam. Mỗi khu vực biển có trữ lượng hải sản khác nhau, do đó mức khai thác cũng được giới hạn để đảm bảo sự bền vững. Thông thường, mức khai thác tối đa được phép là khoảng 43-50% tổng trữ lượng thủy sản, tùy theo vùng biển và loài thủy sản. Trong giai đoạn 2020-2024, sản lượng khai thác biển có sự biến đổi nhẹ. Cụ thể, năm 2020 đạt 3,70 triệu tấn, sau đó tăng nhẹ lên 3,75 triệu tấn vào năm 2021. Năm 2022, sản lượng giảm xuống còn 3,67 triệu tấn và tiếp tục giảm nhẹ, chỉ đạt 3,61 triệu tấn trong năm 2023. Qua năm 2024, sản lượng khai thác biển lại tăng nhẹ (hơn 0,28% so với năm trước), đạt khoảng 3,62 triệu tấn, chiếm khoảng 94% tổng sản lượng khai thác.

Sản lượng khai thác thủy sản Việt Nam giai đoạn 2020-2024

 

Tổng sản lượng thủy sản

Sau khi Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 thay thế Luật Thủy sản số 17/2003/QH11, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, nhiều chính sách hỗ trợ người dân đã được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản. Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2020-2024, sản lượng thủy sản của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng ổn định, với sự chuyển dịch rõ rệt giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng khai thác có xu hướng giảm nhẹ từ 3,90 triệu tấn (2020) xuống 3,83 triệu tấn (2024). Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng tăng đều từ 4,74 triệu tấn (2020) lên 5,72 triệu tấn (2024). Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9.55 triệu tấn, tăng 2,58% so với năm 2023.

Biểu đồ sản lượng thủy sản và giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 2020-2024 (Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan)

Theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản có xu hướng tăng và là một trong 10 nhóm hàng xuất khẩu chính của nước ta. Trong năm 2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 10,04 tỷ USD, tăng 11,9%, tương ứng tăng 1,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

 

Bảo tồn và phát triển nguồn thủy sản

Công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, trong đó, tập trung thả các loài cá bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như cá chiên, cá lăng nha, cá bỗng, cá song,… Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm cả nước thả khoảng 42 triệu cá giống xuống các thủy vực.

Để bảo đảm sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản, ngoài việc kiểm soát sản lượng khai thác, việc bảo tồn và phát triển nguồn gen thủy sản cũng đóng vai trò rất quan trọng. Công tác điều tra, thu thập và nhập nội nguồn gen thủy sản đã được thực hiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen. Tính đến năm 2023, tổng số nguồn gen thủy sản được thu thập và bảo tồn là 391. Những nguồn gen này được đánh giá và lưu trữ qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia và các trang web chuyên ngành. Các giống thủy sản như tôm mũ ni, cá hô,… đã được khai thác và ứng dụng trong sản xuất đời sống. Như vậy, công tác bảo tồn nguồn gen không chỉ giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học mà còn tạo ra nền tảng để phát triển các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ ngành thủy sản phát triển bền vững.

***

Các số liệu cho thấy, ngành thủy sản Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024 đã phát triển mạnh mẽ, và có sự chuyển dịch rõ rệt từ khai thác sang nuôi trồng. Các mô hình nuôi công nghệ cao giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen thủy sản cũng đóng vai trò quan trọng, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy ngành phát triển bền vững.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Tổng cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2025/01/phat-trien-thuy-san-theo-huong-ben-vung-o-viet-nam-giai-doan-2016-2024/
[2] Tổng cục Hải quan. https://www.customs.gov.vn/index.jsp?pageId=442&tkId=8325&group=C%C3%94NG%20B%E1%BB%90%20V%C3%80%20TH%C3%94NG%20TIN&category=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20k%E1%BB%B3
[3] Tạp chí Khoa học và Công nghệ. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/10105/bao-ton-va-su-dung-ben-vung-nguon-gen-dac-huu--quy--hiem.aspx

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập