Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2020-2023, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong các lĩnh vực như: lâm sinh, chế biến, bảo quản, nhân giống, phòng ngừa sâu bệnh,… đã góp phần phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Năm 2023, diện tích rừng toàn quốc tăng 1.24% so với năm 2020 (từ 14.677.215 ha lên 14.860.309 ha), trong đó, diện tích rừng trồng tăng 332.527 ha và diện tích rừng tự nhiên giảm 149.434 ha. Năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42.01%, đến năm 2021 tăng lên 42.02% và tiếp tục duy trì ổn định cho đến nay. Để đạt được kết quả này, nhiều hoạt động đã được triển khai rộng khắp cả nước nhằm cụ thể hóa “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 523/QĐ-TTG ngày 01/4/2024, mà một trong chín giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững đã được xác định là: “Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm”.
Diện tích rừng toàn quốc (ha) giai đoạn 2020 - 2023 (Bộ NN&PTNT)
Trong giai đoạn 2020-2023, ngành lâm nghiệp đã công bố 102 tiêu chuẩn, đây là căn cứ để các tổ chức, cá nhân tham khảo áp dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Các tiêu chuẩn công bố giai đoạn 2020-2023 (Nguồn: Bộ NN&PTNT)
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ngành lâm nghiệp triển khai 245 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, công bố 353 bài báo trong ngoài nước (101 bài báo quốc tế, 252 bài báo trong nước), xuất bản 09 cuốn sách, 12 số tạp chí khoa học lâm nghiệp và 13 bài đăng trong các kỷ yếu hội thảo.
Các nhiệm vụ khoa học công nghệ triển khai giai đoạn 2020 - 2023 (Nguồn: Bộ NN&PTNT)
Về công tác giống, ngành lâm nghiệp đã công nhận 58 giống mới và trên 500 cây trội các loài cây. Các giống cây lâm nghiệp mới bao gồm các giống cây: thanh thất, chiêu liêu nước, keo lá tràm, keo lai, bạch đàn và macadamia. Các cây trội gồm các loài như: dẻ đỏ, sấu tía, bời lời vàng, bần không cánh,… Đây là các giống và cây trội phát triển tốt, năng suất cao được chọn lựa để trồng ở các địa phương có điều kiện sinh thái phù hợp nhằm phát triển diện tích rừng. Về các tiến bộ kỹ thuật, ngành lâm nghiệp đã công nhận 36 tiến bộ kỹ thuật mới gồm: 21 tiến bộ kỹ thuật lâm sinh và 15 tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực chế biến, bảo quản.
Việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng, đến việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống, trồng rừng và phòng trừ sâu bệnh đã góp phần nâng cao nâng suất và chất lượng rừng trồng. Hằng năm, hơn 30kg hạt giống các loài cây chủ lực, 7 triệu giống cây thương phẩm và giống gốc, trên 1 triệu cây bản địa và trên 5.000 bình giống gốc đã được chuyển giao đến các địa phương để thay thế các giống gốc thoái hóa thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lĩnh vực lâm nghiệp (tháng 10/2023) vừa qua, những thành tựu, tiến bộ kỹ thuật, các giống cây lâm nghiệp mới và các quy trình kỹ thuật mới giai đoạn 2020-2023 có tính khả thi cao khi ứng dụng vào thực tiễn sẽ tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả cho ngành lâm nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Kim Nhung
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Quyết định số 816/QĐ-BNN-KL ngày 20/03/2024 Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023
[2] Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
[3] Hội nghị toàn quốc về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lĩnh vực Lâm nghiệp .https://mard.gov.vn/Pages/hoi-nghi-toan-quoc-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-linh-vuc-lam-nghiep.aspx/