Trong năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 1.585 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích từ các chủ thể Việt Nam, bao gồm 991 đơn đăng ký sáng chế (chiếm 62,5%) và 594 đơn đăng ký giải pháp hữu ích (chiếm 37,5%). Đây là loại hình giữ vị trí thứ ba (chiếm tỷ lệ 2,9%) trong các loại hình đăng ký bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của cả nước.
Theo Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), “sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”. Sáng chế (SC) được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp bằng độc quyền SC khi đáp ứng được các điều kiện về tính mới, trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp, hoặc cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích (GPHI) khi đáp ứng được các điều kiện về tính mới, không phải hiểu biết thông thường và có khả năng áp dụng công nghiệp. Bằng độc quyền SC có hiệu lực từ ngày cấp và có thời hạn bảo hộ là 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Đối với bằng độc quyền GPHI, thời hạn này là 10 năm, hiệu lực bảo hộ cần phải duy trì.
Năm 2023 số lượng đơn đăng ký và bằng độc quyền SC/GPHI của các chủ thể Việt Nam đều tăng cao hơn so với năm 2022. Đặc biệt, trong khi số đơn đăng ký bảo hộ tăng nhẹ (10%), thì số lượng bằng độc quyền SC/GPHI được cấp tăng hơn 2,1 lần.
Tình hình bảo hộ KDCN của chủ thể Việt Nam giai đoạn 2022-2023 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)
Về số lượng đơn đăng ký bảo hộ SC/GPHI, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương sở hữu số lượng đơn đăng ký SC/GPHI nhiều nhất cả nước, với lần lượt là 596 và 248 đơn (tỉ lệ hơn 53% tổng số đơn của cả nước).
Top 5 địa phương nộp đơn đăng ký SC/GPHI giai đoạn 2022-2023 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)
Trong số các bằng độc quyền SC/GPHI được cấp năm 2023, phần lớn thuộc sở hữu của các viện nghiên cứu và trường đại học (gọi chung là Viện trường), chiếm 38% (tương ứng với 269 bằng), tăng 134 bằng so với năm 2022; 35% chủ sở hữu là các công ty, tổng công ty, tập đoàn, hộ kinh doanh (gọi chung là Doanh nghiệp); 26% chủ sở hữu là cá nhân và 1% còn lại là Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành.
Biểu đồ chủ sở hữu bằng độc quyền SC/GPHI năm 2023 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)
Có khác biệt lớn về số lượng bằng độc quyền SC/GPHI được cấp giữa các địa phương, với Hà Nội đứng đầu trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023, chiếm hơn 50% tổng số bằng độc quyền của cả nước. TP.HCM đứng thứ nhì, với lượng bằng được cấp năm 2022 bằng 1/4 và năm 2023 bằng 1/3 số bằng được cấp của Hà Nội trong các năm tương ứng. Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng lần lượt là các địa phương có tổng số bằng kế tiếp, tuy nhiên, số lượng còn khá khiêm tốn so với hai đơn vị đầu bảng.
Top 5 địa phương sở hữu bằng độc quyền SC/GPHI giai đoạn 2022-2023 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)
Các thống kê về số đơn đăng ký và số bằng độc quyền SC/GPHI cho thấy năm 2023 có sự phát triển rõ rệt so với năm 2022, chủ yếu tập trung ở Hà Nội (đứng đầu) và TP.HCM, nơi tập trung các viện nghiên cứu và trường đại học chiếm phần lớn số bằng độc quyền SC/GPHI trên cả nước. Việc đăng ký bảo hộ SC/GPHI được coi là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ tài sản trí tuệ. Khi quyền sở hữu được xác lập, chủ sở hữu được độc quyền sử dụng các giải pháp kỹ thuật đã đăng ký, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đồng thời và được bảo vệ pháp lý để ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Qua đó, khuyến khích và thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan ban ngành đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.
Kim Nhung
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] Cục Sở hữu trí tuệ. https://ipvietnam.gov.vn/vi_VN/web/guest/tra-cuu-thong-tin