Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016-2019 đánh dấu những đóng góp mạnh mẽ của xã hội cho KH&CN, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương "khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế" (Dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).
1. TỔNG ĐẦU TƯ CỦA XÃ HỘI CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tổng đầu tư cho KH&CN của Thành phố (cả nguồn ngân sách và ngoài ngân sách nhà nước) giai đoạn 2016-2019 là 43.908 tỷ đồng, đạt bình quân 10.977 tỷ đồng/năm. Trong đó, hơn 80% đầu tư cho hoạt động KH&CN của Thành phố đến từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy thị trường KH&CN của Thành phố đã và đang thu hút đầu tư từ xã hội, cụ thể là từ các doanh nghiệp cho mục tiêu đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Hình 1. Tổng đầu tư xã hội cho KH&CN của TP. Hồ Chí Minh (ĐVT: tỷ đồng)
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Ghi chú: Số liệu 2015-2019: cập nhật tại thời điểm 31/9/2020; Số liệu năm 2020: số dự toán.
2. ĐẦU TƯ CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Đầu tư cho hoạt động KH&CN từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2019 đạt bình quân 1.323 tỷ đồng/năm, tương ứng 2,02% tổng chi ngân sách Thành phố. Mặc dù Luật KH&CN 2013 quy định "nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN", tuy nhiên trên thực tế giai đoạn 2016-2019, chỉ có năm 2016 chi ngân sách cho KH&CN của Thành phố đạt 2,66%, còn các năm 2017-2019 chỉ đạt từ 1,72% - 1,97%. Điều này cho thấy Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chương trình, đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Hình 2. Đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Ghi chú: Số liệu 2015-2019: cập nhật tại thời điểm 31/9/2020; Số liệu năm 2020: số dự toán.
3. ĐẦU TƯ XÃ HỘI CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ/GRDP TP. HỒ CHÍ MINH
Đầu tư của xã hội cho KH&CN/GRDP giai đoạn 2016-2019 đạt tỷ lệ bình quân 0,96%, Trong đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước/GRDP đạt bình quân 0,12%, đầu tư ngoài ngân sách/GRDP đạt bình quân 0,84%.
Hình 3. Đầu tư của KH&CN/GRDP của TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Ghi chú: Số liệu 2015-2019: cập nhật tại thời điểm 31/9/2020; Số liệu năm 2020: số dự toán.
Có thể thấy, mức đầu tư của ngân sách nhà nước cho KH&CN/GRDP từ năm 2016 đến 2019 đã tăng cao hơn nhiều so với năm 2015 và giữ mức ổn định 0,1%/năm trong giai đoạn 2017-2019, còn mức đầu tư ngoài ngân sách cho KH&CN cũng có xu hướng tăng dần, cho thấy sự quan tâm đầu tư cho KH&CN của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, ước tính mức đầu tư ngoài ngân sách cho KH&CN sẽ có sự sụt giảm, đạt 50% so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, "chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP" (1 trong 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 – 2025 được nêu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI), Thành phố đã đề ra một số phương hướng và giải pháp như sau:
- Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động mọi nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố;
- Xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố nhằm liên kết các trường, viện với doanh nghiệp, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm;
- Đổi mới hạ tầng khoa học và công nghệ thành phố. Hình thành và tập trung đầu tư, phát triển Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo từng bước trở thành đơn vị nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ ngang tầm khu vực;
- Thúc đẩy hình thành các không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo của Nhân dân thành phố;
- Thúc đẩy đào tạo và phát huy nguồn nhân lực KH&CN, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển thành phố;
- Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và nguồn nhân lực;
- Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.
Duy Sang