Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Trong năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận 2.012 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp từ các chủ thể Việt Nam. Đây là loại hình giữ vị trí thứ hai (chiếm tỷ lệ 3,7%) trong các loại hình đăng ký bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của cả nước. 

 

Theo Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), kiểu dáng công nghiệp (KDCN) là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. Bằng độc quyền KDCN được cấp cho những kiểu dáng thỏa mãn 3 tiêu chí: tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Bằng này có hiệu lực từ ngày cấp và có thời hạn là 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể được gia hạn 2 lần liên tiếp, mỗi lần là 5 năm. 

Việc bảo hộ KDCN giúp các chủ sở hữu quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của họ một cách hiệu quả hơn, ngăn chặn hành vi sao chép và cạnh tranh không lành mạnh. Trong năm 2023, số lượng đơn đăng ký KDCN và số lượng bằng độc quyền KDCN đều tăng cao hơn so với năm 2022.

Tình hình bảo hộ KDCN của chủ thể Việt Nam giai đoạn 2022-2023 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)

 

Xét về số lượng đơn đăng ký bảo hộ KDCN, Hà Nội và TP.HCM tiếp tục là hai địa phương chia nhau vị trí đầu bảng xếp hạng trong các năm 2022, 2023 và vượt xa các tỉnh có số đơn đăng ký nhiều kế tiếp là Bình Dương, Hưng Yên và Long An.

Top 5 địa phương có đơn đăng ký KDCN nhiều nhất, giai đoạn 2022-2023 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)

 

Trong top 5 địa phương có số đơn đăng ký KDCN nhiều nhất năm 2023, 91% chủ thể nộp đơn là các công ty, tổng công ty, tập đoàn, hộ kinh doanh (gọi chung là Doanh nghiệp), tương ứng với 1.207 đơn; 8% chủ đơn là cá nhân và 1% còn lại là các viện nghiên cứu và trường đại học (gọi chung là Viện trường).

Biểu đồ chủ thể nộp đơn đăng ký KDCN của top 5 địa phương có số đơn nhiều nhất năm 2023 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)

 

Xét về số bằng độc quyền KDCN được cấp, tỷ lệ khá tương đồng với số lượng đơn đăng ký KDCN đã nộp, Hà Nội và TP.HCM tiếp tục là hai địa phương sở hữu nhiều bằng độc quyền KDCN nhất, chiếm hơn 50% tổng số bằng độc quyền của cả nước; xếp sau đó là Bình Dương, Long An và Hưng Yên. Trong số các địa phương này, Hưng Yên là địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về số bằng độc quyền KDCN được cấp (tăng 106,25%, từ 16 bằng năm 2022 lên 33 bằng năm 2023).

Top 5 địa phương sở hữu bằng độc quyền KDCN giai đoạn 2022-2023 (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)

 

Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 có sự gia tăng về số đơn đăng ký và số bằng độc quyền KDCN so với năm 2022 và không có nhiều thay đổi trong top 5 địa phương dẫn đầu. Tỷ lệ đơn đăng ký KDCN chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp. Hà Nội và TP.HCM tiếp tục là hai địa phương dẫn đầu, với hơn 50% tổng số đơn đăng ký trên toàn quốc.

Đăng ký bảo hộ KDCN chính là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo vệ sản phẩm của doanh nghiệp, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng giá trị thương hiệu, xây dựng lòng tin cho khách hàng và thúc đẩy mở rộng thị trường.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

[1] Cục Sở hữu trí tuệ. https://ipvietnam.gov.vn/vi_VN/web/guest/tra-cuu-thong-tin

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập