Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 1,3 tỷ người bị khuyết tật trên toàn cầu (khoảng 16% dân số thế giới). Ở Việt Nam, Điều tra Quốc gia về người khuyết tật năm 2016 cho thấy, hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên (khoảng hơn 6,2 triệu người) bị khuyết tật. Trong đó, số khiếm thính là hơn 1,03 triệu người và số bị khiếm thị hơn 933 ngàn người. Con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng, theo đà tăng của dân số thế giới và Việt Nam.

Bài viết này được thực hiện nhằm cung cấp thông tin về tình hình nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp hỗ trợ, tăng cường và phục hồi chức năng cho người khiếm thính và khiếm thị trên thế giới.

 

Phần 1: Nghiên cứu công nghệ hỗ trợ người khiếm thính và khiếm thị, giai đoạn trước năm 2015

Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), tính đến năm 2014, có 35.251 sáng chế về hỗ trợ, tăng cường và phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị và khiếm thính, trong đó, hơn 30% sáng chế được nộp trong giai đoạn 2007-2011.

Hình 1. Phân tích sáng chế về hỗ trợ, tăng cường và phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị và khiếm thính

- Đối với người khiếm thính

Giai đoạn này có 18.523 sáng chế nhằm hỗ trợ, tăng cường và phục hồi thính giác. Trong đó, có 8.780 sáng chế về thiết bị hỗ trợ, 3.918 sáng chế giúp tăng cường chức năng và 5.828 sáng chế phục hồi chức năng cho người khiếm thính.

Về phục hồi chức năng cho người khiếm thính, máy trợ thính bên ngoài và cấy ghép ốc tai điện tử là hai loại thiết bị, công nghệ có nhiều sáng chế nhất, chiếm gần 80% tổng số sáng chế.

Về tăng cường thính lực, các công nghệ mã hóa âm thanh (công nghệ nhận dạng/lưu trữ/dịch thông tin âm thanh) có số sáng chế nhiều nhất (chiếm 47%), kế đến là công nghệ liên quan đến kích thích bằng điện, điện tử cho tai (chiếm 32%).

Về hỗ trợ thính giác, hai nhóm gồm công nghệ nhận dạng giọng nói, xử lý giọng nói hoặc chuyển đổi âm thanh giọng nói và các công nghệ trợ thính khác (công nghệ che giấu giọng nói hoặc âm thanh và xử lý nó thành dạng có thể dùng được cho người khiếm thính. Ví dụ: văn bản xuất hiện trên TV trong một chương trình truyền hình) có số lượng sáng chế nhiều nhất, chiếm 82%.

- Đối với người khiếm thị

Giai đoạn này có 23.527 sáng chế về hỗ trợ, tăng cường, phục hồi chức năng. Trong đó, có 6.919 sáng chế nhằm hỗ trợ, 8.995 sáng chế nhằm tăng cường thị lực và 7.613 sáng chế nhằm phục hồi chức năng thị giác.

Về phục hồi chức năng nhìn, các sáng chế về công nghệ nội nhãn (bao gồm công nghệ được cấy vào mắt, ví dụ như cấy ghép võng mạc) chiếm 67%, tiếp đến là các công nghệ phục hồi thị lực không vĩnh viễn (công nghệ chỉ khôi phục thị lực trong một thời gian ngắn hoặc giới hạn, ví dụ như khôi phục thị lực cho cá nhân đang hồi phục sau phẫu thuật hoặc sau tai nạn) chiếm 13%.

Đễ tăng cường thị lực, các công nghệ hiển thị thông tin, mã hóa hình ảnh, bản dịch và nâng cao chất lượng tầm nhìn, độ phân giải hình ảnh cho người khiếm thị là các công nghệ được đăng ký bảo hộ sáng chế nhiều nhất, lần lượt chiếm 25%, 23% và 22,5%.

Về hỗ trợ thị lực, các thiết bị hỗ trợ thị lực khác (không thuộc bất kỳ phân loại công nghệ hỗ trợ nào đã đề cập trước đó) chiếm số lượng sáng chế nhiều nhất 87% (6.010 sáng chế).

- Phân bố các quốc gia bảo hộ sáng chế về khiếm thính và khiếm thị

Mỹ là quốc gia có số lượng nộp đơn bảo hộ sáng chế đầu tiên nhiều nhất (13.581 sáng chế, chiếm 39%), kế đến là Nhật Bản 8.249 sáng chế (23%) và Trung Quốc là 8% (2.691 sáng chế).

Xét trong giai đoạn 2007-2011, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh có tốc độ tăng trưởng kép về đăng ký sáng chế nhiều nhất, lần lượt là 23%, 11% và 9%. Ngược lại, ở các quốc gia như Úc, Đức và Mỹ, hoạt động này giảm nhiều, tương ứng 20%, 18% và 12% (Hình 2).

Hình 2. Top 10 quốc gia có nhiều sáng chế được đăng ký đầu tiên

69% các sáng chế hỗ trợ, tăng cường, phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị và khiếm thính xuất phát từ khu vực doanh nghiệp, 23% từ các nhà nghiên cứu, 8% còn lại là các đơn vị học thuật và cơ quan chính quyền. Các đơn vị sở hữu nhiều sáng chế nhất hiện nay thuộc về các công ty, tập đoàn đa quốc gia như Novartis, Panasonic, Siemens, Abbott,…(Hình 3).

Hình 3. Các đơn vị sở hữu nhiều sáng chế về công nghệ hỗ trợ thính giác và thị giác

Minh Thư

Mời xem tiếp Phần 2: Nghiên cứu công nghệ hỗ trợ người khiếm thính và khiếm thị, giai đoạn từ năm 2015 đến nay.

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Tổng cục Thống kê. Điều tra Quốc gia về người khuyết tật năm 2016. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2019/03/__trashed-4/
[2] Nick Solomon and Pardeep Bhandari. Patent Landscape Report on Assistive Devices and Technologies for Visually and Hearing Impaired Persons. https://www.wipo.int/publications/en/details.jsp?id=3933
[3] WHO. Disability. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/disability-and-health

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập