Trong những năm gần đây, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí đang gia tăng, cả trong nước lẫn quốc tế. Ngoài các nghiên cứu thuộc nhóm khoa học xã hội, các nghiên cứu trong lĩnh vực y, dược tại Việt Nam đang ngày càng chiếm ưu thế, với số lượng công bố tăng dần. Bên cạnh đó, công bố của Việt Nam trên các tạp quốc tế cũng phát triển mạnh, đạt số lượng trên 18.000 bài báo khoa học mỗi năm, kể từ năm 2020 đến nay.
Công bố khoa học thể hiện năng lực khoa học, cũng như năng suất nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức, và hơn nữa là của một quốc gia. Số liệu công bố khoa học là thước đo quan trọng trong việc đánh giá và xếp hạng các nhà khoa học, tổ chức khoa học, các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.
Công bố khoa học trên các tạp chí KH&CN trong nước
Thống kê số lượng công bố khoa học trên các tạp chí trong nước được tổng hợp từ nguồn CSDL Quốc gia về KH&CN. Đây là CSDL tập hợp các bài báo từ 236 tạp chí trong tổng số 334 tạp chí KH&CN trong nước. Số liệu cho thấy năm 2022, 15.075 bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí KH&CN trong nước.
Căn cứ theo bảng phân loại lĩnh vực nghiên cứu KH&CN ban hành kèm Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN, ban hành ngày 04/9/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ, chiếm phần lớn trong những công bố khoa học trong năm 2022 là các nghiên cứu ở lĩnh vực Khoa học xã hội, với 7.857 bài báo, kế đến là Khoa học y, dược với 3.226 bài báo. Thấp nhất là lĩnh vực Khoa học tự nhiên, với 819 bài báo (Hình 1).
Hình 1. Số lượng công bố khoa học trên các tạp chí KH&CN trong nước giai đoạn 2018-2022
(Nguồn: CSDL Quốc gia về KH&CN, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
Số lượng công bố khoa học trong lĩnh vực Khoa học y, dược đã tăng đột biến, từ hạng 4 năm 2020 vươn lên hạng 2 trong các năm 2021 và 2022. Qua đó, có thể thấy, bên cạnh những đầu tư nghiên cứu về khoa học xã hội (giáo dục, kinh tế, pháp luật,…), các nhà khoa học Việt Nam đang có sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trong y học và chăm sóc sức khỏe, với các nghiên cứu trong chẩn đoán lâm sàng và điều trị bệnh. Trong đó, các công bố khoa học về ung thư trong năm 2021 và 2022 tăng gấp đôi so với năm 2020 (năm 2020 là 215 bài báo, năm 2021 là 555 bài báo và năm 2022 là 554 bài báo). Đặc biệt, góp phần vào số lượng công bố khoa học trong lĩnh vực y học là các nghiên cứu liên quan đến đại dịch Covid-19, với số lượng liên tục tăng từ 13 bài báo (năm 2020) lên 93 bài báo (năm 2021) và 243 bài báo (năm 2022).
Phân loại theo Mã cấp 1 trong bảng phân loại lĩnh vực nghiên cứu KH&CN, chuyên ngành Kinh tế và kinh doanh (thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội) đứng đầu về số lượng nghiên cứu được công bố trên các tạp chí KH&CN trong nước năm 2022, đứng thứ 2 là Y học lâm sàng (thuộc lĩnh vực Khoa học y, dược). đứng thứ 3 là Khoa học giáo dục (thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội) (Hình 2).
Hình 2. Top 20 lĩnh vực chuyên ngành công bố trên các tạp chí KH&CN trong nước năm 2022
(Nguồn: CSDL Quốc gia về KH&CN, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
Công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí quốc tế
Thống kê công bố khoa học của các nhà khoa học Việt trên các tạp chí quốc tế được tổng hợp từ nguồn CSDL Scopus của NXB Elsevier (Hà Lan). Trong giai đoạn 2018-2022, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín là 76.686 bài. Trong đó kể từ năm 2020 đến nay, số lượng công bố hàng năm đều đạt trên 18.000 bài (Hình 3).
Hình 3. Số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí quốc tế giai đoạn 2018-2022
(Nguồn: CSDL Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
Theo CSDL Scopus, năm 2022, các bài báo của Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế được phân loại theo 27 lĩnh vực chuyên ngành từ 4 lĩnh vực lớn theo phân loại của Scopus: Khoa học vật lý, Khoa học sức khỏe, Khoa học xã hội và Khoa học đời sống, trong đó 10 lĩnh vực chuyên ngành chiếm phần lớn nghiên cứu là:
- Kỹ thuật (Engineering)
- Khoa học máy tính (Computer Science)
- Toán học (Mathematics)
- Vật lý và thiên văn (Physics and Astronomy)
- Khoa học môi trường (Environmental Science)
- Y học (Medicine)
- Khoa học vật liệu (Materials Science)
- Hóa học (Chemistry)
- Khoa học nông nghiệp và sinh học (Agricultural and Biological Sciences)
- Khoa học xã hội (Social Sciences)
Hình 4. Công bố quốc tế của Việt Nam phân loại theo các chuyên ngành năm 2022
(Nguồn: CSDL Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
Chia theo bảng phân loại lĩnh vực KH&CN của Việt Nam, dữ liệu cho thấy các công bố quốc tế của Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực Khoa học tự nhiên (khoa học máy tính, toán học, vật lý, thiên văn, hóa học,…); lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ (kỹ thuật, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, khoa học nông nghiệp và sinh học,…) và lĩnh vực Khoa học y, dược (y học, hóa học di truyền học và sinh học phân tử, miễn dịch học và vi sinh,…).
Trong 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022, chiếm đến 90% là các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, Đại học Quốc gia TP.HCM có số lượng nhiều nhất với 2.248 bài báo (Hình 5).
Hình 5. 10 tổ chức Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022
(Nguồn: CSDL Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
Có thể thấy, các trường đại học lớn ở cả 3 vùng miền đều góp mặt trong 10 tổ chức có công bố quốc tế nhiều nhất của Việt Nam. TP.HCM đóng góp 5 tổ chức trong danh sách này: Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Hợp tác quốc tế trong công bố khoa học
Giai đoạn 2018-2022, các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác với khoảng 120 nước/vùng lãnh thổ trong công bố khoa học quốc tế. Trong đó, 3 nước có nhiều nghiên cứu hợp tác nhất là Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Lĩnh vực hợp tác chiếm phần lớn trong các nghiên cứu là Kỹ thuật và Khoa học máy tính (Bảng 1).
Bảng 1. 10 nước/vùng lãnh thổ hợp tác công bố quốc tế theo lĩnh vực giai đoạn 2018-2022
(Nguồn: CSDL Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
Các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài có nhiều nghiên cứu hợp tác, nên nguồn kinh phí tài trợ cho nghiên cứu cũng rất đa dạng. Trong giai đoạn 2018-2022, nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) chiếm nhiều nhất, với 6.832 bài; kế tiếp là các nguồn tài trợ từ nước ngoài như: Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan, Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia Trung Quốc, Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc, Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản,…(Hình 6).
Hình 6. 10 nguồn chủ yếu tài trợ cho công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2018-2022
(Nguồn: CSDL Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
So sánh công bố quốc tế của Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á
Thống kê từ dữ liệu CSDL Scopus cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam vẫn đang đứng thứ 5 về công bố quốc tế trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, tỷ lệ công bố quốc tế của Việt Nam so với nước đứng đầu bảng là Indonesia đang gia tăng, từ 25% vào năm 2018) đã tăng lên khoảng 35% (năm 2021) và đạt 44% vào năm 2022 (Bảng 2 và Hình 7).
Bảng 2. Thống kê công bố quốc tế các nước ASEAN giai đoạn 2018-2022
(Nguồn: CSDL Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
Hình 7. 6 quốc gia đứng đầu về công bố quốc tế trong khu vực ASEAN
(Nguồn: CSDL Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, ngày lấy dữ liệu: 27/02/2023)
Có thể thấy, các nghiên cứu khoa học của Việt Nam đã và đang tăng trưởng tốt. Đối với các nghiên cứu ghi nhận trên CSDL quốc gia về KH&CN, lĩnh vực Kinh tế và Y học lâm sàng dẫn đầu về số lượng bài báo trong các tạp chí KH&CN trong nước. Đối với các nghiên cứu công bố quốc tế, ngoài lĩnh vực Kỹ thuật thì Khoa học máy tính là lĩnh vực thứ hai chiếm số lượng công bố cao trong các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Điều này cho thấy bên cạnh việc tự nghiên cứu, các nhà khoa học cũng rất tích cực hợp tác với các nhà khoa học quốc tế, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công bố quốc tế của Việt Nam nói chung và chính nhà khoa học nói riêng.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Cục Thông tin KH&CN Quốc gia. (2022). Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021. NXB Khoa học và Kỹ thuật.
[2] Minh Quân et al. (2020). Công bố khoa học quốc tế của Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị. Retrieved from Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3793/cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-cua-viet-nam--thuc-trang-va-mot-so-khuyen-nghi.aspx
[3] CSDL Scopus (27/02/2023). https://www.scopus.com/