Số liệu thống kê ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM năm 2022 được tổng hợp từ dữ liệu báo cáo của các tổ chức KH&CN thuộc quản lý của Thành phố và từ hồ sơ quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, tính đến 31/12/2022, theo quy định tại Thông tư 15/2018/TT-BKHCN về việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN hàng năm.
Số liệu thống kê ngành KH&CN của TP.HCM năm 2022 được biểu diễn bằng các biểu đồ trực quan, theo 8 nội dung như sau:
1. SỐ TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tính đến 31/12/2022, có 382 tổ chức KH&CN thuộc quản lý của TP.HCM đang hoạt động (bao gồm 367 tổ chức được Sở KH&CN TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN từ năm 1993 đến nay và 15 viện, trường thuộc quản lý trực tiếp của UBND TP.HCM). Trong số này, có 30 tổ chức mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN trong năm 2022.
- Theo loại hình kinh tế, chiếm phần lớn là các tổ chức KH&CN ngoài nhà nước (74,1%), tổ chức KH&CN của nhà nước chiếm 25,9%.
- Theo loại hình tổ chức, tổ chức nghiên cứu và phát triển chiếm tỷ lệ cao nhất (51,3%), kế đến là các tổ chức dịch vụ KH&CN (45%). Các trường đại học, cao đẳng do TP.HCM quản lý trực tiếp chiếm 3,7%.
- Theo lĩnh vực KH&CN, 47,4% các tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, kế đến là khoa học xã hội (30,9%), thấp nhất là lĩnh vực khoa học nhân văn (1,6%).
Cơ sở dữ liệu trực tuyến: Số tổ chức khoa học và công nghệ năm 2022
2. SỐ NGƯỜI TRONG CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tính đến 31/12/2022, có 7.888 người đang làm việc trong các tổ chức KH&CN thuộc quản lý của TP.HCM (theo số liệu báo cáo của 228/382 tổ chức KH&CN). Trong đó, nhân lực nữ chiếm 45%. Có chênh lệch lớn về giới tính ở trình độ tiến sĩ. Các trình độ còn lại ít có sự khác biệt.
Theo trình độ chuyên môn, phần lớn nhân lực làm việc trong các tổ chức KH&CN đều đạt trình độ từ đại học trở lên. Trong đó, nhân lực trình độ đại học và thạc sĩ chiếm đa số, với tỷ lệ lần lượt là 39,2% và 34,9%, nhân lực đạt trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ 12,8%. Chỉ có 3,1% nhân lực trình độ cao đẳng và 10% nhân lực trình độ thấp hơn tham gia vào các công tác hỗ trợ trong các tổ chức KH&CN.
Xem xét nguồn nhân lực theo loại hình tổ chức KH&CN, nhân lực trình độ thạc sĩ chiếm chủ yếu trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, do quy định về chuẩn trình độ đối với giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học (được quy định trong Khoản 2, Điều 5, Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT). Ngược lại, phần lớn nhân lực trong các tổ chức NC&PT và tổ chức dịch vụ KH&CN ở trình độ đại học.
Theo lĩnh vực đào tạo, nhân lực trong các tổ chức KH&CN chủ yếu được đào tạo trong 2 lĩnh vực: khoa học kỹ thuật và công nghệ (33,8%) và khoa học xã hội (26,7%).
Về độ tuổi, nhân lực ngành KH&CN tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động: nhóm tuổi “Đến 35 tuổi” chiếm 34,7%, “Từ 36-45 tuổi” chiếm 36,7% và “Từ 46-55 tuổi” chiếm 19,3%. Trình độ của nhân lực KH&CN cũng có sự chuyển biến rõ rệt theo các nhóm tuổi. Nếu nhóm “Đến 35 tuổi” có số lượng nhân lực trình độ đại học chiếm phần lớn, thì ở nhóm “36-45 tuổi” và “46-55 tuổi” đã thấy rõ nhân lực trình độ trên đại học là chủ đạo. Ngoài ra, có thể thấy ở các nhóm tuổi trên 60, người tham gia hoạt động KH&CN đa phần là nhân lực có trình độ tiến sĩ.
Cơ sở dữ liệu trực tuyến: Số người trong các tổ chức KH&CN năm 2022
3. CHI CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tổng chi ngân sách Thành phố cho hoạt động KH&CN năm 2022 là 2.294 tỷ đồng. Trong đó, 31,9% chi cho hoạt động đầu tư phát triển KH&CN, còn lại là chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố và chi triển khai các dự án, hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố.
4. NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Trong năm 2022, có 257 nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố đang được triển khai thực hiện. Trong đó, 46 nhiệm vụ mới được phê duyệt trong năm 2022, 211 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước. Lĩnh vực được nghiên cứu nhiều nhất là khoa học kỹ thuật và công nghệ (35%), kế đến là khoa học y, dược (25,3%) và khoa học nông nghiệp (20,6%).
Xét theo các mục tiêu kinh tế - xã hội, 3 nội dung chiếm phần lớn trong 257 nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố đang thực hiện là: phát triển y tế và bảo vệ sức khỏe con người (chiếm 24,5% tổng số nhiệm vụ KH&CN), phát triển sản xuất và công nghệ công nghiệp (chiếm 22,6%) và phát triển sản xuất và công nghệ nông nghiệp (chiếm 20,6%).
Trong năm 2022, các nhiệm vụ KH&CN mới được phê duyệt chú trọng nhiều đến mục tiêu phát triển xã hội và dịch vụ nhằm nghiên cứu các giải pháp công nghệ thông tin và chiến lược thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố.
5. HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Theo báo cáo của các tổ chức KH&CN thuộc quản lý của TP.HCM trong năm 2022, có 32 nhiệm vụ KH&CN hợp tác với các tổ chức nước ngoài thực hiện, với tổng kinh phí gần 42,6 tỷ đồng. Phần lớn các nhiệm vụ hợp tác trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật và công nghệ. Mặc dù có ít nhiệm vụ hơn, nhưng nguồn kinh phí hợp tác trong lĩnh vực y học chiếm đến hơn 65%.
Nhiệm vụ KH&CN hợp tác quốc tế theo hình thức đa phương chiếm phần lớn (65,8%) trong tổng kinh phí thực hiện. Theo nguồn cấp kinh phí, các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu từ nguồn nước ngoài (91,8%). Theo cấp nhiệm vụ, chiếm đến 75,4% là chi cho các nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố. Theo nước/tổ chức hợp tác, kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu từ các nước như: Bỉ (43%), Úc (17,2%) và Hoa Kỳ (12,4%), …
6. DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tính đến 31/12/2022, TP.HCM có 106 doanh nghiệp KH&CN đã đăng ký giấy phép hoạt động tại Sở KH&CN TP.HCM, trong đó có 3 doanh nghiệp mới đăng ký trong năm 2022. Xét trong giai đoạn từ năm 2009-2022, số lượng đăng ký doanh nghiệp KH&CN tăng và đạt cực đại vào năm 2018 (với 33 doanh nghiệp), tuy nhiên, số lượng đăng ký mới doanh nghiệp KH&CN hiện đang có xu hướng giảm dần hàng năm.
Theo thành phần kinh tế, các doanh nghiệp KH&CN chủ yếu là ngoài nhà nước, chỉ có 1 doanh nghiệp KH&CN của nhà nước là Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung. Theo ngành kinh tế, nhiều nhất là các doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ lệ 39%) và ngành thông tin và truyền thông (chiếm tỷ lệ 28,6%).
7. TIÊU CHUẨN - ĐO LƯỜNG - CHẤT LƯỢNG
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM, tính đến 31/12/2022, TP.HCM có 109 tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; 194.536 phương tiện đo, chuẩn đo lường được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Trong đó, phương tiện được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chiếm phần lớn là các thiết bị đo khối lượng (chiếm tỷ lệ 72,4%), đứng thứ hai là các thiết bị đo điện (chiếm tỷ lệ 15,8%), đứng thứ ba là các thiết bị đo nhiệt độ (chiếm tỷ lệ 5,3%).
8. NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ, AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN
Tính đến 31/12/2022, TP.HCM có 3.024 người hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Chia theo lĩnh vực hoạt động, có đến 94,9% nhân lực này làm việc trong các đơn vị cung cấp dịch vụ, 5% làm việc trong các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, chỉ 0,1% làm công tác quản lý nhà nước. Chia theo lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhiều nhất là nhân lực làm việc trong ngành y tế (chiếm tỷ lệ 82%), 12,8% người làm việc trong ngành công nghiệp và kinh tế kỹ thuật, 3,5% trong ngành nông nghiệp và chỉ 0,7% trong ngành tài nguyên và môi trường.
Duy Sang