Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NC&PT) bao gồm các nội dung nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN. Phân tích dưới đây được rút ra từ kết quả điều tra NC&PT trên địa bàn TP.HCM trong các năm 2018, 2020 và 2022.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Phát triển công nghệ là hoạt động sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới.

Điều tra NC&PT là hoạt động điều tra theo Chương trình điều tra thống kê Quốc gia, được tiến hành 2 năm một lần. Kết quả điều tra được sử dụng để đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng thay đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược về NC&PT trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó là đánh giá kết quả thực hiện các chính sách về phát triển KH&CN, so sánh quốc tế về các chỉ tiêu thống kê NC&PT và xây dựng cơ sở dữ liệu về NC&PT của Việt Nam phục vụ các phân tích chuyên sâu, làm tiền đề cho các cuộc điều tra của các năm tiếp theo.

 

1. Tổ chức nghiên cứu và phát triển

Kết quả điều tra cho thấy, tính đến năm 2021, cả nước có 423 tổ chức có hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong đó, TP.HCM có 103 tổ chức, chiếm tỷ lệ 24,3% (Hình 1).

Hình 1. Tổng số tổ chức NC&PT trên cả nước tính đến 31/12/2021.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Ngoài TP. Hà Nội và TP.HCM, số lượng tổ chức NC&PT ở các tỉnh, thành khác đều khá ít (tỷ lệ dưới 10% so với cả nước). Đặc biệt là tại các vùng cao, điều kiện phát triển khó khăn như khu vực Tây Nguyên, Đông Bắc và Tây Bắc, số tổ chức NC&PT chiếm chưa đến 3%.

 

2. Nhân lực nghiên cứu và phát triển

Nhân lực NC&PT là những người tham gia trực tiếp vào hoạt động NC&PT trong cơ quan/tổ chức. Nguồn nhân lực này bao gồm: cán bộ nghiên cứu, nhân viên kỹ thuật và nhân viên hỗ trợ.

  • Cán bộ nghiên cứu là những cán bộ chuyên nghiệp có trình độ từ cao đẳng/đại học trở lên tham gia vào quá trình tạo ra tri thức, sản phẩm và quy trình mới, tạo ra phương pháp và hệ thống mới (đối với các tổ chức không phải là đơn vị NC&PT chuyên nghiệp thì cán bộ nghiên cứu là những người trực tiếp tham gia thực hiện các đề tài NC&PT); dành tối thiểu 10% thời gian cho hoạt động NC&PT.
  • Nhân viên kỹ thuật là những người thực hiện các công việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật trong những lĩnh vực KH&CN và tham gia vào NC&PT bằng việc thực hiện những nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật có áp dụng những khái niệm và phương pháp vận hành dưới sự giám sát của các nhà nghiên cứu. Nhóm này gồm kỹ thuật viên, nhân viên phòng thí nghiệm có trình độ trung cấp và tương đương.
  • Nhân viên hỗ trợ là những người có hoặc không có kỹ năng, nhân viên hành chính, văn phòng tham gia vào các dự án/đề tài NC&PT. Nhóm này tính cả những người làm về nhân sự, tài chính và hành chính trực tiếp phục vụ công việc NC&PT của các tổ chức NC&PT.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, trên địa bàn TP.HCM có 23.164 nhân lực NC&PT, trong đó có 17.945 cán bộ nghiên cứu, 1.382 nhân viên kỹ thuật và 3.837 nhân viên hỗ trợ (Hình 2). Có thể thấy, số nhân viên kỹ thuật qua các năm chiếm tỷ lệ thấp hơn so với cán bộ nghiên cứu và nhân viên hỗ trợ.

Hình 2. Tổng nhân lực NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Chức năng làm việc.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Tỷ lệ nhân lực NC&PT nữ được thống kê trong năm 2021 theo 3 nhóm chức năng làm việc lần lượt là 45,3% (cán bộ nghiên cứu), 43,8% (nhân viên kỹ thuật), 57,2% (nhân viên hỗ trợ) (Hình 3). Mặc dù không có sự chênh lệch quá lớn, nhưng có thể thấy nhân lực NC&PT nữ chiếm phần lớn trong lực lượng nhân viên hỗ trợ. Trong cán bộ nghiên cứu và nhân viên kỹ thuật, số lượng nhân lực NC&PT nam chiếm tỷ lệ trung bình cao hơn, lần lượt là 10,9% và 13,6% so với nữ.

Hình 3. Tỷ lệ nhân lực NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Giới tính.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Theo thành phần kinh tế, nhân lực NC&PT chủ yếu làm việc trong các tổ chức của nhà nước. Số liệu năm 2021 (Hình 4) cho thấy, số nhân lực NC&PT ở các tổ chức ngoài nhà nước đang dần tăng lên, từ 2,5% năm 2017 đến 4,6% năm 2021.

Hình 4. Tỷ lệ nhân lực NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Thành phần kinh tế.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Theo khu vực hoạt động, nhân lực NC&PT tập trung chủ yếu trong các tổ chức giáo dục đại học (Hình 5). Tỷ lệ nhân lực NC&PT trong các khu vực nghiên cứu giai đoạn 2017-2021 có sự dịch chuyển, giảm dần trong khu vực tổ chức NC&PT và tăng dần trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp và các tổ chức dịch vụ KH&CN.

Hình 5. Nhân lực NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Khu vực hoạt động.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Cán bộ nghiên cứu

Tính đến 31/12/2021, trên địa bàn TP.HCM có 17.945 cán bộ nghiên cứu (CBNC), trong đó phần lớn đạt trình độ thạc sĩ (Hình 6). Có thể thấy trong giai đoạn 2017-2021, trình độ chuyên môn của CBNC đã có sự chuyển biến tích cực về chất lượng với việc gia tăng liên tục số lượng nhân lực trình độ tiến sĩ và thạc sĩ.

Hình 6. Tổng số cán bộ nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Trình độ.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Biểu đồ so sánh tỷ lệ CBNC theo trình độ chuyên môn trong giai đoạn 2017-2021 cho thấy, tỷ lệ nhân lực có trình độ thạc sĩ đạt mức trung bình vào khoảng 50% trên tổng số CBNC, tỷ lệ tiến sĩ gia tăng liên tục từ 21,6% năm 2017 lên 25,2% năm 2021, tỷ lệ đại học năm 2021 giảm chỉ còn 19,8%, và tỷ lệ cao đẳng có tăng nhẹ nhưng vẫn dưới 2% qua 3 năm điều tra (Hình 7).

Hình 7. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Trình độ.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Trong giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ CBNC nam và nữ có sự chênh lệch không quá lớn ở trình độ thạc sĩ, đại học và cao đẳng, nhưng ở trình độ tiến sĩ, tỷ lệ CBNC nam vẫn cao gấp 3 lần so với nữ (Hình 8). Mặc dù thấp hơn, nhưng tỷ lệ nữ trình độ tiến sĩ đã có sự gia tăng liên tục qua các năm. Có thể xem đây là kết quả của các chính sách khuyến khích bồi dưỡng, đào tạo đối với cán bộ nữ làm công tác nghiên cứu, qua đó thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực nữ với trình độ chuyên môn cao trong hoạt động nghiên cứu KH&CN tại các cơ quan, đơn vị.

Hình 8. Cán bộ nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021 theo Trình độ và Giới tính.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Hai lĩnh vực nghiên cứu chính trong giai đoạn 2017-2021 là khoa học kỹ thuật và công nghệ (KT&CN) và khoa học xã hội, với tỷ lệ CBNC trong năm 2021 lần lượt là 31% và 24,5% (Hình 9). Tỷ lệ CBNC trong lĩnh vực khoa học y, dược đang có sự gia tăng liên tục, trái ngược so với lĩnh vực khoa học nông nghiệp đang có chiều hướng giảm dần.

Hình 9. Cán bộ nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021 theo Trình độ và Lĩnh vực KH&CN.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

 

3. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển

Theo kết quả điều tra trên địa bàn TP.HCM, tổng đầu tư cho hoạt động NC&PT năm 2021 là hơn 1.347 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019 (Hình 10).

Hình 10. Tổng chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021 (ĐVT: triệu đồng).
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Tỷ lệ chi NC&PT trong năm 2021 từ các tổ chức của nhà nước là 87,2% và từ các tổ chức ngoài nhà nước là 12,8% (Hình 11). Có thể thấy trong các năm 2019 và 2021, các tổ chức ngoài nhà nước đã có sự đầu tư cho hoạt động NC&PT cao hơn.

Hình 11. Tỷ lệ chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Thành phần kinh tế.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Hình 12 cho thấy, các tổ chức NC&PT và tổ chức giáo dục đại học là hai loại hình tổ chức đầu tư nhiều vào hoạt động NC&PT. Với tỷ lệ chi cho NC&PT gia tăng liên tục qua các năm, các tổ chức giáo dục đại học đã cho thấy sự quan tâm ngày càng cao cho hoạt động NC&PT.

Hình 12. Tỷ lệ chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Loại hình tổ chức.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Theo nguồn cấp kinh phí cho hoạt động NC&PT, ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và đang có chiều hướng tăng dần, đạt 74% năm 2021. Tỷ lệ kinh phí ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho NC&PT chiếm trung bình khoảng 20% qua 3 năm và tỷ lệ từ nguồn nước ngoài có xu hướng giảm dần, từ 12,6% năm 2017 còn 6,9% năm 2021.

Hình 13. Tỷ lệ chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Nguồn cấp kinh phí.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Trong giai đoạn 2017-2021, khoa học kỹ thuật và công nghệ vẫn là lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất trong 6 lĩnh vực KH&CN (Hình 14). Trong đó, năm 2021 có sự gia tăng chi đầu tư cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ và khoa học xã hội. Ngược lại tỷ lệ đầu tư cho khoa học nhân văn vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với các lĩnh vực khác.

Hình 14. Tỷ lệ chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021, theo Lĩnh vực nghiên cứu.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2018, 2020, 2022, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

***

Kết quả điều tra NC&PT trên địa bàn TP.HCM qua 3 năm gần nhất (2018, 2020, 2022) đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động NC&PT. Đặc biệt là cán bộ nghiên cứu trình độ cao đang có xu hướng tăng dần và các khoản đầu tư cho hoạt động NC&PT có sự đóng góp nhiều hơn của xã hội. Bên cạnh đó, với lượng nhân lực và kinh phí đầu tư chiếm tỷ lệ cao, có thể thấy các hoạt động NC&PT chính tại TP.HCM đã và đang tập trung chủ yếu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, mà cụ thể hơn là phục vụ cho việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố.

Duy Sang

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ KH&CN. (2023). Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022. Hà Nội: NXB Khoa học và Kỹ thuật.
[2] Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (2019, 2021, 2023). Dữ liệu Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2018, 2020, 2022; trích xuất trên địa bàn TP.HCM.
[3] CESTI. (2019). [Infographic] Nghiên cứu khoa học và Phát triển công nghệ TP. HCM giai đoạn 2012-2018. Retrieved from CESTI: http://thongke.cesti.gov.vn/phan-tich-thong-ke/ket-qua-thong-ke/647-nghien-cuu-khoa-hoc-va-phat-trien-cong-nghe-tphcm-2012-2018.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập