Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Năm 2023, kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức: lạm phát dù có giảm bớt nhưng vẫn duy trì ở mức cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư trên toàn cầu giảm sút. Trong bối cảnh khó khăn chung, sản xuất công nghiệp nước ta cũng gặp nhiều trở ngại, nhưng vẫn nỗ lực khắc phục và tăng trưởng so với năm trước.

 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm 2022. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% (đóng góp 8,84%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74% (đóng góp 28,87%); khu vực dịch vụ tăng 6,82% (đóng góp 62,29%) (Hình 1).

Hình 1. Tỷ lệ đóng góp của các nhóm ngành kinh tế vào giá trị tăng thêm trong cơ cấu kinh tế (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96% (bằng với năm 2022); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%, giảm nhẹ so với năm 2022 (38,17%); khu vực dịch vụ chiếm 42,54% (giảm nhẹ, từ 41,32%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 8,38% (giảm nhẹ, từ 8,55%) (Hình 2).

Hình 2. Cơ cấu nền kinh tế năm 2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

So với cùng kỳ năm 2022, giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,73% (là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023); quý II/2023, ngành công nghiệp đã có sự gia tăng giá trị tăng thêm (tăng 0,86% so với cùng kỳ năm trước); quý III/2023, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng tích cực hơn (với tốc độ tăng 4,51% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,59%; khai khoáng giảm 5,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,12%); sản xuất công nghiệp quý IV/2023 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 6,86%. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,02% so với năm trước (trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%; riêng khai khoáng giảm 3,17%).

Hình 3. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Một số ngành công nghiệp trọng điểm luôn giữ được mức tăng qua các quý so với cùng kỳ năm 2022 là “Sản xuất, chế biến thực phẩm”, “Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất”, “Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic”, “Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn”. Chiếm quyền số cao nhất trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành “Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học”. Tuy nhiên, tốc độ tăng của nhóm ngành này trong năm 2023 là không ổn định.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp, trong 3 tháng đầu năm, chỉ số này thay đổi khá thất thường (chỉ số tháng 1 thấp nhất, âm ở mức -11,3%, tháng 2 có chỉ số cao nhất, đạt 7%). Từ tháng 5/2023 đến tháng 12/2023, chỉ số này có xu hướng tăng trưởng ổn định. (Hình 3).

Hình 4. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Đứng trước thực trạng suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu, việc đảm bảo tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức hơn 3% ở đã cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và bản thân các doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phối hợp tổ chức ngày 4/1 vừa qua, tình hình kinh tế năm 2024 sẽ có nhiều khởi sắc, do đó, khả năng sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn năm 2023 là rất cao và sẽ ổn định trong những năm tới.

Minh Thư

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập