Chất lượng bệnh viện là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Qua mười năm áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (2013-2023), ngành y tế Thành phố đã có một số thành quả đáng khích lệ trong công tác cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của các bệnh viện trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê trên cả nước, tổng số lượt bệnh nhân đến khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh là hơn 200 triệu lượt/năm, trong đó, khoảng 19% là tại TP.HCM. Năm 2020 công suất sử dụng giường bệnh đạt 129%, vượt quá năng lực đáp ứng của các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện tuyến đầu. Do vậy, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó có phân bổ ngân sách y tế để cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự trong ngành.
Số lượt khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc và tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020 (Nguồn: Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM)
Ngân sách ngành y tế được phân bổ theo 4 lĩnh vực chính là: (1) Đầu tư phát triển; (2) Chi cho sự nghiệp theo nguồn: viện trợ + vốn vay, chi từ nguồn thu sự nghiệp và ngân sách nhà nước cấp; (3) Chi cho sự nghiệp khác theo nguồn: nghiên cứu khoa học, đào tạo và chi sự nghiệp khác; (4) Quản lý hành chính. Giai đoạn 2016-2020, ngân sách chi cho lĩnh vực đầu tư phát triển là khoảng 10% đứng thứ 2 chỉ sau khoản chi cho sự nghiệp theo nguồn và theo sau đó lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo (thuộc nhóm 3) đứng thứ 3 với khoảng 0,3% ngân sách được chi.
Ngân sách y tế phân cho đầu tư phát triển, nghiên cứu khoa học, đào tạo giai đoạn 2016-2020 (Đơn vị tính: tỷ đồng; Nguồn: Bộ Y tế)
Bên cạnh đó, để định hướng và thúc đẩy các bệnh viện tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng, kể từ năm 2013, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã triển khai Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện - bộ công cụ đánh giá thực trạng chất lượng bệnh viện (gồm 83 tiêu chí) nhằm hướng đến mục tiêu cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và đem lại sự hài lòng cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế. Trong bộ tiêu chí này, mỗi tiêu chí được đo lường với 5 mức độ đánh giá (cao nhất là 5 và thấp nhất là 1); điểm trung bình chung của tất cả các tiêu chí áp dụng đánh giá chính là điểm chất lượng của bệnh viện.
Để góp phần nâng cao chất lượng chung, kể từ năm 2017, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai “Hệ thống ki-ốt khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện” gồm 15 tiêu chí khảo sát các vấn đề thường gặp như đăng ký khám, thái độ giao tiếp của nhân viên y tế, gửi xe, nhà vệ sinh, các tiện ích,… Kết quả khảo sát được ghi nhận theo thời gian thực đến ban lãnh đạo bệnh viện. và được phổ biến cho nhân viên bệnh viện cùng biết để chủ động rà soát, phân tích tìm nguyên nhân để cải tiến và khắc phục các khâu còn hạn chế. Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, mặc dù sự hài lòng của bệnh nhân năm 2023 có nhiều cải thiện hơn so với năm 2020, nhưng một số tiêu chí vẫn có tỷ lệ chưa hài lòng cao, đó là các khâu như: làm thủ tục đăng ký khám; làm thủ tục khám bảo hiểm y tế; cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ; thái độ ứng xử, giao tiếp của nhân viên bệnh viện và thời gian chờ xét nghiệm, siêu âm, chụp phim,...
Kết quả khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện năm 2020, 2022, 2023 (Nguồn: Sở Y tế TP.HCM)
Cùng với nhiều nỗ lực, điểm chất lượng trung bình của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2022 đã tăng 22%, từ 3,01 lên 3,7. Kết quả khảo sát đánh giá tổng 115 bệnh viện trên địa bàn (gồm 54 bệnh viện công và 61 bệnh viện tư nhân) của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, năm 2022, điểm trung bình ở nhóm bệnh viên tư tăng 9%, nhóm bệnh viện tuyến Thành phố tăng 2,5 và nhóm bệnh viện tuyến Quận/Huyện tăng 0,3% so với năm 2021. Trong đó, có 37 bệnh viện đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 (theo thang điểm 5), tăng 15,6% so với năm 2021 (đứng đầu là Bệnh viện Hùng Vương, với 4,73 điểm). Có 8 bệnh viện đạt điểm trung bình trên 4,5 điểm (tăng 33% so với năm 2021), 29 bệnh viện từ 4-4,5 điểm (tăng 11,5%). Chỉ có 1 bệnh viện đạt điểm dưới 2,5 (thuộc khu vực tư nhân). TP.HCM đang là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác đánh giá chất lượng bệnh viện (https://hailong.chatluongbenhvien.vn/) với hơn 43 nghìn phiếu khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế trên toàn Thành phố.
Điểm chất lượng trung bình của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2022 (Nguồn: Sở Y tế TP.HCM)
Nhìn chung, ngành y tế Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong các công tác cải tiến, nâng cao chất lượng, mang lại sự hài lòng cho người bệnh và nhân viên y tế. Thời gian tới, cùng với việc tăng cường đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực điều trị của đội ngũ nhân viên y tế; tăng cường ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh, sẽ góp phần tiết giảm thời gian, tối ưu hóa quy trình khám bệnh theo hướng tốt hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn, giúp người bệnh và cả nhân viên y tế hài lòng hơn.
Kim Nhung