Tính đến đầu năm 2020, tổng số doanh nghiệp KH&CN của Thành phố đạt 732 doanh nghiệp. Trong đó 86 doanh nghiệp được Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận; 165 doanh nghiệp Công nghệ thông tin hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung; 154 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao; 327 doanh nghiệp tiềm năng đang được ươm tạo. Trong đó, nhiều doanh nghiệp KH&CN có doanh thu lớn, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu như: Công ty TNHH Lập Phúc, Công ty chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn, Công ty Savipharm, …
1. LỢI ÍCH KHI TRỞ THÀNH DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Một số ưu đãi nổi bật khi trở thành doanh nghiệp KH&CN được quy định tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP như sau:
- Miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN.
- Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước khi xác định diện tích đất được miễn, giảm cho mục đích KH&CN.
- Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của cơ quan Trung ương/Địa phương, tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn đối với các doanh nghiệp KH&CN thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng kết quả KH&CN, sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN
- Được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;
- Được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN, tài sản trí tuệ của Nhà nước;
- Được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật về lệ phí trước bạ;
- Được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại cho vay khi đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ;
- Được các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN để phát triển sản phẩm mới;
- Được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. (Trong trường hợp phát sinh chi phí mua nguyên vật liệu để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, doanh nghiệp chi trả các khoản chi phí phát sinh cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước).
Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ
2. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2009 – 2020
Tính đến tháng 9/2020, số doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN tại Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM là 93 tổ chức. Trong đó, gần 50% là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Hình 1. Tổng số doanh nghiệp KH&CN tại TP. HCM đã được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận đến tháng 9/2020
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Từ năm 2009 đến 2017, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN trung bình chỉ khoảng 3-4 doanh nghiệp/năm. Tuy nhiên, từ năm 2018, số doanh nghiệp KH&CN được chứng nhận đã có chiều hướng tăng.
Hình 2. Tổng quan số doanh nghiệp KH&CN đã được cấp giấy chứng nhận từ năm 2009 đến nay
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Theo lĩnh vực hoạt động, có thể thấy trong giai đoạn từ 2017-2020 có sự chuyển biến rõ rệt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực “Thông tin và truyền thông”, đây là các doanh nghiệp sở hữu các giải pháp công nghệ, phần mềm. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang có xu hướng tăng liên tục từ 7 doanh nghiệp năm 2017 (chiếm 20%), đến 28 doanh nghiệp năm 2020 (chiếm 30,1%).
Hình 3. Tổng số doanh nghiệp KH&CN theo lĩnh vực hoạt động từ năm 2017 – 9/2020
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
3. ĐIỀU KIỆN CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Theo Điều 6 Nghị định 13/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
b) Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận bằng văn bản:
- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
- Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
- Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
- Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
- Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
- Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
c) Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Ngoài ra: Doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b Điều này được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN tại Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh
Duy Sang