Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) là những tổ chức có chức năng chính là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ KH&CN, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Những tổ chức này đóng vai trò chủ yếu trong hoạt động KH&CN. Theo Luật KH&CN năm 2013, các loại hình tổ chức KH&CN bao gồm:

  • Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (viện hàn lâm, viện/trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và cơ sở nghiên cứu và phát triển khác);
  • Cơ sở giáo dục đại học bao gồm: đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng;
  • Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ (các trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm,... về: thông tin, thư viện; bảo tàng KH&CN; dịch thuật, biên tập, xuất bản cho KH&CN; điều tra cơ bản định kỳ, thường xuyên; thống kê, điều tra xã hội; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tư vấn về KH&CN; sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ;…).

 

1. CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 470 tổ chức KH&CN. Trong đó, có 36 tổ chức KH&CN thuộc quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 10 tổ chức thuộc quản lý của 2 Viện Hàn lâm khoa học; 111 cơ sở giáo dục đại học; 56 tổ chức KH&CN trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập; 20 tổ chức KH&CN công lập thuộc quản lý của UBND TP. HCM và 237 tổ chức KH&CN ngoài công lập. Thống kê chi tiết theo bảng sau:

Ghi chú: 

*Không bao gồm các trường đại học, học viện, trường cao đẳng trực thuộc.

**Tổng hợp từ danh sách của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia và danh sách các tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN tại Sở KH&CN TP. HCM tính đến tháng 9/2020.

***Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP. HCM tổng hợp.

[1] Đại học là nhóm các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên; trường và các đơn vị trực thuộc khác, cùng hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý nhằm gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh và đóng góp của toàn hệ thống đối với xã hội. Thực tế hiện nay, Việt Nam có 2 đại học là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; 3 đại học vùng là Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

 

2. CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐƯỢC SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP. HỒ CHÍ MINH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

Tính đến tháng 9/2020, có 369 tổ chức đã được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận hoạt động KH&CN. Trong đó, có 320 tổ chức đang hoạt động, 49 tổ chức đã ngưng hoạt động, giải thể, chuyển đổi loại hình, … Thống kê theo lĩnh vực hoạt động KH&CN và thành phần kinh tế theo hình dưới đây:

Hình 1. Số tổ chức được Sở KH&CN TP. HCM cấp giấy chứng nhận hoạt động KH&CN từ năm 1993 đến tháng 09/2020

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Thống kê theo danh sách các tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN tại Sở KH&CN TP. HCM tính đến tháng 9/2020

 

Có thể thấy, số lượng các tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động KH&CN đã có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020, gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2011-2015. Các tổ chức KH&CN hoạt động chủ yếu 2 lĩnh vực: khoa học kỹ thuật và công nghệ với 161 tổ chức (kỹ thuật điện tử, cơ khí, môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ nano, …) và khoa học xã hội với 101 tổ chức (phần lớn liên quan đến giáo dục, quản lý, kinh doanh và kinh tế).

 

3. CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THUỘC ĐẠI HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC, HỌC VIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH

Số tổ chức hoạt động KH&CN tại Đại học Quốc gia TP. HCM chiếm số lượng rất lớn so với các trường còn lại (24 tổ chức KH&CN trực thuộc). Trong đó, có 2 Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Quốc gia đặt tại Trường ĐH Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP. HCM là Phòng thí nghiệm trọng điểm Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống và Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu Polyme và Compozit.

Các tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm hơn 60% tổng số tổ chức KH&CN thuộc đại học, trường đại học, học viện trên địa bàn TP. HCM. Tỷ lệ các lĩnh vực nghiên cứu khác giảm dần từ khoa học xã hội (17,9%), khoa học tự nhiên (8,9%), khoa học y, dược (7,1%), khoa học nông nghiệp (3,6%) và khoa học nhân văn (1,8%).

Hình 2. Tổ chức KH&CN thuộc đại học, trường đại học, học viện trên địa bàn TP. HCM

Nguồn: Tổng hợp từ danh sách của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia và danh sách các tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN tại Sở KH&CN TP. HCM tính đến tháng 9/2020

 

4. CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA TP. HỒ CHÍ MINH

Nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực các tổ chức KH&CN theo hướng tiên tiến và hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu Chương trình “Phát triển tổ chức khoa học và công nghệ theo mô hình tiên tiến”, đối tượng của chương trình là các tổ chức KH&CN có lĩnh vực hoạt động chính phục vụ 04 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố (Cơ khí chế tạo; Điện tử - Công nghệ thông tin; Hóa chất, hóa dược – cao su nhựa; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm) và 07 chương trình đột phá của thành phố.

Tổ chức KH&CN tiên tiến là một loại hình tổ chức nghiên cứu và phát triển được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại; có khả năng triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ mang tính tiên phong; có khả năng quy tụ và bồi dưỡng cán bộ KH&CN trình độ cao trong môi trường trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu thuận lợi; thúc đẩy hoạt động sáng tạo, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ KH&CN ở đẳng cấp quốc tế; đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của xã hội và góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH&CN của quốc gia.

Các nội dung hỗ trợ bao gồm:

1. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:

  • Hỗ trợ kinh phí hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, thương mại hóa sản phẩm;
  • Hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất;
  • Hỗ trợ kinh phí đào tạo và phát triển nhân lực;
  • Hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học;
  • Hỗ trợ hoạt động chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước cho tổ chức KH&CN để nghiên cứu phát triển, tạo sản phẩm mới;
  • Hỗ trợ dịch vụ đối với hoạt động chuyển giao kết quả KH&CN của tổ chức KH&CN cho doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp: quảng bá sản phẩm KH&CN, chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu; kết nối cung - cầu; tìm kiếm đối tác; giới thiệu chuyên gia tư vấn; tư vấn và chứng nhận hợp đồng chuyển giao.

2. Nâng cao năng lực quản lý của tổ chức KH&CN:

  • Hỗ trợ kinh phí (cho các đơn vị tư vấn) để triển khai áp dụng các hệ thống, công cụ, mô hình nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo theo yêu cầu của tổ chức KH&CN, phòng thí nghiệm (đơn vị thụ hưởng);
  • Hỗ trợ đào tạo nhân sự về quản trị tài sản trí tuệ;
  • Hỗ trợ kinh phí đánh giá Tổ chức KH&CN theo Thông tư 38/2014/TT-BKHCN;
  • Hỗ trợ tư vấn xây dựng các công cụ quản trị tài sản trí tuệ đối với sáng chế, bí mật công nghệ, nhãn hiệu (Quy chế quản lý; Quy trình ghi nhận và xác lập quyền và khai thác và chuyển giao; Các biểu mẫu).

3. Các hoạt động hỗ trợ khác:

  • Hỗ trợ tư vấn hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp KH&CN chuyển đổi từ tổ chức KH&CN;
  • Hỗ trợ tư vấn đăng ký chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ.

Thông tin Chương trình “Phát triển tổ chức khoa học và công nghệ theo mô hình tiên tiến”

 

Duy Sang

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập