Với vai trò là một đầu tàu KH&CN của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đổi mới và tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư cho KH&CN. Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển có trọng tâm và gắn kết thực tiễn là các mục tiêu quan trọng của hoạt động KH&CN tại đây.
Trong số các đề tài được nghiệm thu tại TP.HCM giai đoạn 2017-2020, xét theo các lĩnh vực nghiên cứu, “Khoa học kỹ thuật và công nghệ” có số đề tài được nghiệm thu nhiều nhất, với 121 đề tài (chiếm khoảng 37% tổng số đề tài của giai đoạn này). Các đề tài trong lĩnh vực này tập trung giải quyết các vấn đề mà Thành phố đang quan tâm (chống ngập lụt, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…), có thể điểm qua một số minh chứng như: nghiên cứu thiết kế “Thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng”, xây dựng “Hệ thống sensor quan trắc một số chỉ số môi trường không khí phục vụ dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực cho TP.HCM” hay kết quả nghiên cứu về “Bản đồ lan truyền ô nhiễm đối với nguồn nước”,…
“Khoa học nông nghiệp” là lĩnh vực có nhiều đề tài nghiên cứu đứng thứ nhì, ngay sau “Khoa học kỹ thuật và công nghệ”, với 67 đề tài. Trong năm 2020, lĩnh vực nông nghiệp có bước đột phá, số lượng đề tài nghiệm thu tăng hơn 4 lần so với năm 2019, cao nhất trong số các lĩnh vực nghiên cứu và chiếm tỉ lệ 33% tổng số đề tài nghiệm thu trong năm 2020 (Bảng 1; Hình 1). Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố định hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong các nhiệm vụ đã được nêu trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa X trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể, Thành phố sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực. Một số đề tài nông nghiệp nổi bật đã được nghiệm thu năm 2020 là: “Giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp tại địa bàn TP.HCM”, “Ứng dụng hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED-Light Emitting Diode) lên khả năng nhân giống cây Bá bệnh (Eurycoma longifolia) thông qua phôi vô tính”, “Điều tra, thu thập và thuần dưỡng các loài cá tỳ bà bướm (Sewellia spp.) để bảo tồn chuyển vị tại TP.HCM”,…
Bảng 1. Nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu theo lĩnh vực KH&CN giai đoạn 2017-2020
Nguồn: Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ KH&CN hàng năm theo Thông tư 14/2014/TT-BKHCN của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM
Hình 1. Nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu theo lĩnh vực KH&CN
Nguồn: Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ KH&CN hàng năm theo Thông tư 14/2014/TT-BKHCN của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM
Theo Báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo thành phố năm 2020, đánh giá về tỉ lệ ứng dụng của đề tài, khoảng 66% đề tài được nghiệm thu có ứng dụng trực tiếp, 34% đề tài có ứng dụng gián tiếp. Để nâng cao tỉ lệ đề tài có ứng dụng trực tiếp, trong thời gian tới, hoạt động KH&CN của hành phố sẽ chú trọng hơn nữa việc gắn kết giữa nghiên cứu và nhu cầu thị trường, tăng cường đặt hàng trong nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu, hỗ trợ đề tài sau nghiệm thu
Như Hà
Tài liệu tham khảo:
[1] Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ KH&CN hàng năm theo Thông tư 14/2014/TT-BKHCN của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM.
[2] Báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo TP.HCM năm 2020.
[3] Luật Khoa học và Công nghệ 2013.[4] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
[5] TP.HCM: Đặt hàng nhiệm vụ KHCN giúp đề tài không ủ 'trong ngăn kéo' (http://sromost.gov.vn/en/news-events/1158-tphcm-dat-hang-nhiem-vu-khcn-giup-de-tai-khong-u-trong-ngan-keo)