Số liệu thống kê ngành KH&CN TP. HCM năm 2020 được tổng hợp từ dữ liệu báo cáo của các tổ chức KH&CN thuộc quản lý của TP.HCM và từ hồ sơ quản lý của Sở KH&CN TP.HCM tính đến 31/12/2020, theo quy định tại Thông tư 15/2018/TT-BKHCN về việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN hàng năm.
Số liệu thống kê ngành KH&CN của TP.HCM năm 2020 được biểu diễn bằng các biểu đồ trực quan như sau:
SỐ TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tính đến 31/12/2020, có 331 tổ chức KH&CN thuộc quản lý của TP.HCM đang hoạt động. Trong đó, hơn 70% là các tổ chức KH&CN ngoài nhà nước, gần 50% các tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (KT&CN).
Cơ sở dữ liệu trực tuyến: Số tổ chức khoa học và công nghệ năm 2020
SỐ NGƯỜI TRONG CÁC TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tính đến 31/12/2020, có 7.247 người đang làm việc trong các tổ chức KH&CN thuộc quản lý của TP.HCM (theo số liệu báo cáo của 199/331 tổ chức KH&CN), trong đó, 46,4% nhân lực là nữ.
Cơ sở dữ liệu trực tuyến: Số người trong các tổ chức KH&CN năm 2020
Theo trình độ chuyên môn, nhân lực có trình độ thạc sĩ và đại học chiếm đa số trong các tổ chức KH&CN với tỷ lệ lần lượt là 35% và 38,7%. Có thể thấy, nhân lực trình độ thạc sĩ trong các cơ sở giáo dục đại học chiếm tỷ lệ cao hơn trình độ đại học trong các tổ chức nghiên cứu và phát triển (NC&PT) và tổ chức dịch vụ KH&CN. Sự khác biệt này là do quy định về chuẩn trình độ đối với giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học (được quy định trong Khoản 2, Điều 5, Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT).
Theo lĩnh vực đào tạo, nhân lực trong các tổ chức KH&CN chủ yếu được đào tạo trong 2 lĩnh vực: khoa học KT&CN và khoa học xã hội với tỷ lệ lần lượt là 27,4% và 23,4%.
Về độ tuổi, nhân lực hoạt động KH&CN đa phần thuộc nhóm tuổi trẻ và trung niên, “Đến 35 tuổi” chiếm 38,9% và “Từ 36-55 tuổi” chiếm 50,6%. Bên cạnh đó, có thể thấy trình độ của nhân lực KH&CN có sự chuyển biến rõ rệt theo các nhóm tuổi. Nếu ở nhóm “Đến 35 tuổi”, nhân lực trình độ đại học chiếm phần lớn, thì ở nhóm “36-55 tuổi”, nhân lực trình độ thạc sĩ là chủ yếu. Còn với các nhóm tuổi trên 60, tiến sĩ là trình độ chiếm số lượng đông đảo nhất.
CHI CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tổng chi ngân sách thành phố cho hoạt động KH&CN năm 2020 là 3.049 tỷ đồng, trong đó 62,5% ngân sách chi cho hoạt động đầu tư phát triển KH&CN, còn lại là chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN và chi triển khai các dự án, hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố.
NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Trong năm 2020, có 311 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố đang được thực hiện. Trong đó, 184 nhiệm vụ mới được phê duyệt trong năm 2020, 127 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước. Hai lĩnh vực được nghiên cứu nhiều nhất là khoa học kỹ KT&CN (37,6%) và khoa học nông nghiệp (30,9%).
Theo mục tiêu kinh tế - xã hội, có 4 mục tiêu chiếm phần lớn trong các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố: phát triển sản xuất và công nghệ nông nghiệp; phát triển sản xuất và công nghệ công nghiệp; phát triển y tế và bảo vệ sức khỏe con người; phát triển xã hội và dịch vụ. Trong đó, mục tiêu “phát triển sản xuất và công nghệ nông nghiệp” có tỷ lệ lớn nhất, chiếm 33,1% trong tổng số 311 nhiệm vụ đang thực hiện và chiếm 40,8% trong 184 nhiệm vụ mới được phê duyệt trong năm 2020.
HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Theo báo cáo của các tổ chức KH&CN thuộc quản lý của TP.HCM trong năm 2020, có 48 nhiệm vụ KH&CN hợp tác với các tổ chức nước ngoài thực hiện với tổng kinh phí là 121,5 tỷ đồng, trong đó đa phần là các nhiệm vụ hợp tác trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học KT&CN.
Các nhiệm vụ KH&CN hợp tác quốc tế đa phần theo hình thức song phương, kinh phí chủ yếu từ nguồn nước ngoài và gần 50% kinh phí chi cho các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Theo nước/tổ chức, kinh phí lớn nhất cho các nhiệm vụ KH&CN hợp tác quốc tế là từ Ủy ban Châu Âu (39,7%), kế đến là Bỉ (15,1%).
DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Tính đến 31/12/2020, có 96 doanh nghiệp KH&CN đã đăng ký tại Sở KH&CN TP.HCM, trong đó có 11 doanh nghiệp mới đăng ký trong năm 2020. Gần 40% doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo, 28% doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong ngành Thông tin và Truyền thông.
NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ, AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN
Tính đến 31/12/2020, tại TP. HCM có 2.983 người hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; 95% nhân lực này làm việc trong lĩnh vực Ứng dụng, dịch vụ; 84,4% làm việc trong ngành Y tế. Người làm việc trong lĩnh vực này đa phần trong các đơn vị thuộc thành phần kinh tế nhà nước (60,4%), khu vực ngoài nhà nước chiếm 35,6%, chỉ 4% người làm việc trong các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài.
Duy Sang