Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là bộ phận quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), bao gồm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN. Năm 2020 là năm thứ năm Bộ KH&CN thực hiện điều tra nghiên cứu và phát triển trên quy mô cả nước. Bài viết sau là kết quả tổng hợp và phân tích từ dữ liệu điều tra nghiên cứu và phát triển 3 năm gần nhất trên địa bàn TP.HCM.

 

Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Phát triển công nghệ là hoạt động sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới.

 

1. Tổ chức nghiên cứu và phát triển

Kết quả điều tra cho thấy, tính đến năm 2019, cả nước có 552 tổ chức nghiên cứu và phát triển (NC&PT). Trong đó, TP.HCM có 116 tổ chức, chiếm tỷ lệ 21% (Hình 1).

Hình 1. Tổng số tổ chức NC&PT trên cả nước tính đến 31/12/2019.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Ngoài 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, số lượng tổ chức NC&PT ở các tỉnh, thành khác đều khá ít (tỷ lệ dưới 10% so với cả nước). Đặc biệt là tại các khu vực vùng cao như Đông Bắc, Tây Nguyên chiếm chưa đến 3%, Tây Bắc thấp nhất với tỷ lệ 0,7%.

 

2. Nhân lực nghiên cứu và phát triển

Nhân lực NC&PT là những người tham gia trực tiếp vào hoạt động NC&PT trong cơ quan/tổ chức và được thanh toán cho dịch vụ của họ. Nguồn nhân lực này bao gồm: cán bộ nghiên cứu, nhân viên kỹ thuật và nhân viên hỗ trợ.

Tính đến thời điểm 31/12/2019, trên địa bàn TP.HCM có 23.607 nhân lực NC&PT, trong đó có 17.429 cán bộ nghiên cứu, 1.958 nhân viên kỹ thuật và 4.220 nhân viên hỗ trợ (Hình 2). Giai đoạn 2015-2019, số nhân viên kỹ thuật có chiều hướng gia tăng, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp hơn so với cán bộ nghiên cứu và nhân viên hỗ trợ.

Hình 2. Tổng nhân lực NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Chức năng làm việc.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Tỷ lệ nhân lực NC&PT nữ được thống kê trong năm 2019 theo 3 nhóm chức năng làm việc lần lượt là 44,5% (cán bộ nghiên cứu), 49,7% (nhân viên kỹ thuật), 55,5% (nhân viên hỗ trợ) (Hình 3). Mặc dù không có sự chênh lệch quá lớn, nhưng có thể thấy trong giai đoạn 2015-2019, nhân lực NC&PT nữ chiếm phần lớn trong lực lượng nhân viên hỗ trợ. Trong cán bộ nghiên cứu và nhân viên kỹ thuật, số lượng nhân lực NC&PT nam chiếm tỷ lệ trung bình cao hơn, lần lượt là 12,6% và 17,2% so với nữ.

Hình 3. Tỷ lệ nhân lực NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Giới tính.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Theo thành phần kinh tế, nhân lực NC&PT vẫn chủ yếu làm việc trong các tổ chức của nhà nước. Số liệu năm 2019 (Hình 4) cho thấy, số nhân lực NC&PT ở các tổ chức ngoài nhà nước đang có xu hướng tăng, từ 3,5% năm 2015 đến 4,5% năm 2019.

Hình 4. Tỷ lệ nhân lực NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Thành phần kinh tế.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Theo khu vực hoạt động, nhân lực NC&PT tập trung chủ yếu trong các tổ chức giáo dục đại học* (Hình 5). Ngoài ra, tỷ lệ nhân lực NC&PT trong các khu vực giai đoạn 2015-2019 đang có sự dịch chuyển, giảm dần trong khu vực tổ chức NC&PT và tổ chức giáo dục đại học, tăng dần trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp và các tổ chức dịch vụ KH&CN.

* bao gồm các trường đại học, học viện, cao đẳng

Hình 5. Nhân lực NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Khu vực hoạt động.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Cán bộ nghiên cứu

Tính đến 31/12/2019, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 17.429 cán bộ nghiên cứu (CBNC), trong đó phần lớn đạt trình độ thạc sĩ (Hình 6). Trong giai đoạn 2015-2019, trình độ chuyên môn của CBNC đã có sự chuyển biến tích cực về chất lượng nhân lực, cụ thể ở số lượng CBNC trình độ tiến sĩ và đại học. Năm 2015, số lượng CBNC trình độ tiến sĩ chỉ bằng ½ so với đại học; năm 2017, số lượng CBNC trình độ tiến sĩ và đại học đã xấp xỉ; và đến năm 2019, số lượng CBNC trình độ tiến sĩ đã cao hơn so với trình độ đại học.

Hình 6. Tổng số cán bộ nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Trình độ.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Biểu đồ so sánh tỷ lệ CBNC theo trình độ chuyên môn trong giai đoạn 2015-2019 cho thấy, tỷ lệ nhân lực có trình độ thạc sĩ vẫn đạt mức trung bình vào khoảng 50% trên tổng số CBNC, tỷ lệ tiến sĩ gia tăng liên tục từ 18% năm 2015 lên 23,9% năm 2019, tỷ lệ đại học năm 2019 chỉ còn 23,8% so với 33% năm 2015, và tỷ lệ cao đẳng vẫn dưới 2% qua 3 năm điều tra (Hình 7).

Hình 7. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Trình độ.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Trong giai đoạn 2015-2019, tỷ lệ CBNC nam và nữ có sự chênh lệch không quá lớn ở trình độ thạc sĩ, đại học và cao đẳng, nhưng ở trình độ tiến sĩ, tỷ lệ CBNC nam vẫn cao gấp 2 lần so với nữ (Hình 8). Mặc dù thấp hơn, nhưng tỷ lệ nữ trong tất cả các trình độ đã có sự gia tăng liên tục qua các năm. Có thể xem đây là kết quả của các chính sách khuyến khích bồi dưỡng, đào tạo đối với cán bộ nữ làm công tác nghiên cứu, qua đó thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực nữ trong hoạt động nghiên cứu KH&CN tại các cơ quan, đơn vị.

Hình 8. Cán bộ nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Trình độ và Giới tính.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Hai lĩnh vực nghiên cứu chính trong giai đoạn 2015-2019 là khoa học kỹ thuật và công nghệ (KT&CN) và khoa học xã hội, với tỷ lệ CBNC trong năm 2019 lần lượt là 30,3% và 26,6% (Hình 9). Tỷ lệ CBNC trong lĩnh vực khoa học y, dược đang có sự gia tăng liên tục, trái ngược so với lĩnh vực khoa học nông nghiệp đang có chiều hướng giảm dần.

Hình 9. Cán bộ nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Trình độ và Giới tính.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

 

3. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển

Theo kết quả điều tra trên địa bàn TP.HCM, tổng đầu tư cho hoạt động NC&PT năm 2019 là hơn 1.117 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017 (Hình 10).

Hình 10. Tổng chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019 (ĐVT: triệu đồng).
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Tỷ lệ chi NC&PT trong năm 2019 từ các tổ chức của nhà nước là 84,4% và từ các tổ chức ngoài nhà nước là 15,6% (Hình 11). Có thể thấy trong năm 2019, các tổ chức ngoài nhà nước đã có sự đầu tư cho hoạt động NC&PT cao hơn so với giai đoạn trước.

Hình 11. Tỷ lệ chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Thành phần kinh tế.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Hình 12 cho thấy, các tổ chức NC&PT và tổ chức giáo dục đại học là hai loại hình tổ chức đầu tư nhiều vào hoạt động NC&PT. Với tỷ lệ chi cho NC&PT gia tăng liên tục qua các năm, các tổ chức giáo dục đại học đã cho thấy sự quan tâm ngày càng cao cho hoạt động NC&PT.

Hình 12. Tỷ lệ chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Loại hình tổ chức.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Theo nguồn cấp kinh phí cho hoạt động NC&PT, ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tỷ lệ kinh phí ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho NC&PT đang có xu hướng tăng dần, từ 20,2% năm 2015 lên 23% năm 2019. Đây có thể xem là minh chứng cho thấy sự hiệu quả từ việc đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động NC&PT.

Hình 13. Tỷ lệ chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Nguồn cấp kinh phí.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Trong giai đoạn 2015-2019, khoa học KT&CN vẫn là lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất trong 6 lĩnh vực KH&CN (Hình 14). Trong đó, năm 2019 có sự gia tăng chi đầu tư cho lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ngược lại với khoa học KT&CN, tỷ lệ đầu tư cho khoa học nhân văn vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với các lĩnh vực khác.

Hình 14. Tỷ lệ chi cho NC&PT trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2015-2019, theo Lĩnh vực nghiên cứu.
Nguồn: Điều tra NC&PT năm 2016,2018,2020, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

***

Kết quả điều tra NC&PT trên địa bàn TP.HCM qua 3 năm gần nhất (2016, 2018, 2020) đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động NC&PT. Đặc biệt là cán bộ nghiên cứu trình độ cao đang có xu hướng tăng dần và các khoản đầu tư cho hoạt động NC&PT có sự đóng góp nhiều hơn của xã hội. Bên cạnh đó, với lượng nhân lực và kinh phí đầu tư chiếm tỷ lệ cao, có thể thấy các hoạt động NC&PT chính tại TP.HCM đã và đang tập trung chủ yếu trong lĩnh vực khoa học KT&CN, mà cụ thể hơn là phục vụ cho việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố.

Duy Sang

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ KH&CN. (2021). Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2020. Hà Nội: NXB Khoa học và Kỹ thuật.
[2] CESTI. (2019). [Infographic] Nghiên cứu khoa học và Phát triển công nghệ TP. HCM giai đoạn 2012-2018. Retrieved from CESTI: http://thongke.cesti.gov.vn/phan-tich-thong-ke/ket-qua-thong-ke/647-nghien-cuu-khoa-hoc-va-phat-trien-cong-nghe-tphcm-2012-2018

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập